- Có tòa án tỉnh trong 2 năm rưỡi xử 9 bị cáo tội tham nhũng thì có tới 8 người hưởng án treo. Có tòa xử 10 bị cáo tham nhũng nhưng tuyên cả 10 người dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Ưu ái cho cán bộ tham nhũng?
Chất vấn Chánh án TANDTC sáng nay, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nhận định tham nhũng thuộc nhóm tội nghiêm trọng cần xử lý nghiêm nhưng báo cáo của UBTVQH cho thấy nhiều tòa án xử rất nhẹ.
ĐB Phạm Xuân Thường |
Ông nêu số liệu có tòa án tỉnh trong 2 năm rưỡi xử 9 bị cáo tham nhũng thì 8 người hưởng án treo, lại có tòa trong 2 năm rưỡi xử 10 bị cáo tham nhũng nhưng tuyên cả 10 người dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Theo ông, điều này khiến dư luận cho rằng Tòa án xử nghiêm với dân nhưng lại ưu ái với cán bộ. Việc xử nhẹ tội phạm tham nhũng đang làm giảm lòng tin của người dân vào quyết tâm phòng chống tham nhũng. Ông tán thành quan điểm án treo nhiều hay ít không quan trọng mà quan trọng là có đúng không.
ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) cho biết trong xét xử các vụ án tham nhũng, tình trạng áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nhiều lần để xử lý dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm tỷ lệ rất cao, có nơi tuyên dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc cho hưởng án treo chiếm từ 80 đến 100%.
Trả lời về vấn đề này, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết đúng là vẫn còn một số tòa án tỉnh, địa phương xử nhiều án treo đối với các tội phạm tham nhũng nhưng phần lớn đã xảy ra nhiều năm trước.
Theo ông Bình, những vụ án trọng điểm, tham nhũng lớn, khiến tài sản tiền bạc của Nhà nước thất thoát nhiều thời gian qua đều được xử lý nghiêm. Một số tòa án xử dưới khung, xử án treo đối với tội tham nhũng là những vụ tham nhũng nhỏ, khi phát hiện thì TANDTC đều đã có kháng nghị để xử lại.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình |
Đối với những vụ việc xảy ra lâu, đã hết thời hạn kháng nghị thì TANDTC cũng đã xem xét, kỷ luật đình chỉ xét xử đối với thẩm phán. Trong việc này, bên cạnh việc xử lý kỷ luật thẩm phán cho tội phạm tham nhũng hưởng án treo không đúng thì cũng cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu của tòa án đó.
Nghị quyết 01 “không vượt thẩm quyền”
ĐB Dung còn nêu câu hỏi liên quan đến nghị quyết 01 mới được Chánh án TANDTC ký ban hành vào ngày 6/11 vừa qua để hướng dẫn áp dụng điều 60 bộ luật Hình sự về án treo.
Theo ĐB Dung, có dư luận cho rằng hướng dẫn này có nội dung vượt quá thẩm quyền của TANDTC, đồng thời làm giảm tính độc lập trong xét xử của thẩm phán theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đề nghị Chánh án làm rõ.
Trả lời vấn đề này, Chánh án TANDTC cho biết điều 60 luật Tố tụng hình sự đã có cách hiểu khác nhau và việc ban hành nghị quyết 01 có tham khảo ý kiến trong ngành, các thẩm phán đều có ý kiến chung là nghị quyết rõ ràng, đảm bảo. Đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của TANDTC, không thể nói là vượt quá.
Ông Trương Hòa Bình không trả lời vế còn lại của câu hỏi là liệu nghị quyết này có làm giảm tính độc lập trong xét xử của thẩm phán theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hay không
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đặt câu hỏi về vấn đề bồi thường cho những vụ án oan nhưng cái sai của cơ quan xử án cuối cùng lại đè nặng lên ngân sách quốc gia. Làm thế nào để Tòa án góp phần giảm án oan và giảm chi phí không đáng có mà ngân sách của người dân phải đóng?
Chánh án TANDTC “xin nhất trí” với ý kiến của ĐB Quốc. Ông cho biết nếu để xảy ra oan sai phải bồi thường theo luật, vấn đề là phải có giải pháp tránh xảy ra oan sai, gồm 3 giải pháp đột phá mà ông đã nêu từ đầu phiên chất vấn, gồm: đảm bảo tranh tụng tại phiên tòa, tăng cường kỷ cương công vụ, củng cố đào tạo và giáo dục pháp luật…
Cẩm Quyên - Ảnh: Minh Thăng