Một chuyên gia quân sự Hong Kong cho biết, Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột vũ trang với Nhật xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông.


{keywords}
Ảnh: AP

Trước đó, ngày 23/11, Trung Quốc đã thông báo thiết lập Vùng xác định phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm quần đảo tranh chấp với Nhật Bản. Máy bay đi vào khu vực này phải thông báo với phía Trung Quốc về kế hoạch bay và tuân theo chỉ thị từ phía Trung Quốc. Senkaku/Điếu Ngư nằm dưới sự quản lý của Nhật từ năm 1972 nhưng Trung Quốc vẫn đưa ra yêu sách chủ quyền.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc khi đưa ra thông báo trên trang web chính thức về ADIZ đã khẳng định việc này phù hợp với pháp luật quốc phòng, luật hàng không dân sự và các quy định bay cơ bản của họ.

Sau sự việc, chuyên gia quân sự Lý Phùng tại Hong Kong cho rằng, đây có thể là một bước đi của Bắc Kinh nhằm tăng cường tuyên bố chủ quyền với quần đảo. Nó cũng thể hiện rõ là chính phủ Trung Quốc đang chuẩn bị cho xung đột quân sự với Nhật về quần đảo tranh chấp.

Căng thẳng giữa hai nước khổng lồ châu Á đã leo thang mạnh sau khi Nhật mua ba trong số nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay chủ sở hữu tư nhân và quốc hữu hóa chúng. Kể từ đó, Trung Quốc thường xuyên điều tàu và máy bay tuần tra ra khu vực này. Theo ông Lý, việc thiết lập ADIZ cung cấp khuôn khổ pháp lý cơ bản để quân đội Trung Quốc ứng phó khi các máy bay quân sự nước khác đi vào vùng này.

Đi kèm theo thông báo, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố: "Các lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ tiến hành các biện pháp phòng thủ khẩn cấp để phản ứng với máy bay không hợp tác nhận dạng hoặc từ chối tuân thủ quy định". Cách đây vài ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra kế hoạch thiết lập ủy ban an ninh quốc gia, chịu trách nhiệm các chính sách an ninh trong và ngoài nước.

Washington bị cuốn vào cuộc

Các chuyên gia an ninh nước ngoài lo lắng căng thẳng Trung - Nhật có thể lôi Mỹ vào cuộc.

Mỹ có hiệp ước phòng thủ chung với Nhật và luôn xác nhận rằng, quần đảo tranh chấp nằm trong khuôn khổ hiệp ước. Một cuộc tấn công vũ trang chống lại Nhật hoặc Mỹ sẽ nhắc mỗi bên "phải hành động để giải quyết nguy cơ chung".

Đầu tháng này, quân đội Nhật đã tổ chức cuộc diễn tập đổ bộ ở một số đảo không có người ở với sự tham gia của 34.000 quân. Tiến sĩ John Swenson-Wright, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Cambridge chuyên về chính trị hiện đại Nhật và quan hệ quốc tế nói rằng, khu vực châu Á đang ngày càng đáng báo động, nhất là khi Trung Quốc gia tăng lực lượng "có thể trực tiếp thách thức khả năng duy trì quyền kiểm soát của Nhật với quần đảo tranh chấp".

Ông ước tính khả năng xảy ra xung đột quân sự là "không quá 20%" nhưng nhấn mạnh: "Chúng ta nên lo lắng về điều này, vì những gì chúng ta chứng kiến trong 2 năm qua là sự căng thẳng gia tăng không ngừng trong ý chí của Trung Quốc để thách thức tuyên bố chủ quyền của Nhật. Không ai muốn chiến tranh - nhưng đó cũng là những gì chúng ta nói đến trong năm 1914”.

Theo ông, Mỹ cần "rất lo lắng" về tình hình và có lẽ phải tìm kiếm các con đường hòa giải. Trong báo cáo đưa ra hồi tháng 4, Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế cảnh báo, vấn đề tranh chấp quần đảo "rất dễ bùng nổ" tại Trung Quốc, trong khi phe ôn hòa tại Nhật đã bị gạt sang lề. “Tokyo và Bắc Kinh cần khẩn cấp làm việc với nhau, thiết lập các cơ chế thông tin liên lạc và xoa dịu khủng hoảng để tránh một cuộc xung đột lớn hơn", tổ chức khuyến cáo.

Thái An tổng hợp