Các hãng hàng không châu Á sẽ phải thông tin cho Trung Quốc về các chuyến bay trước khi tiến vào không phận vùng biển tranh chấp giữa nước này với Nhật Bản.


{keywords}
Ảnh minh họa: wordpress

Theo giới phân tích, tuyên bố của Trung Quốc thành lập Vùng xác định phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông cuối tuần qua đã buộc các hãng hàng không phải thừa nhận thẩm quyền của cái gọi là ADIZ.

Khu vực mà Trung Quốc thông báo bằng khoảng 2/3 diện tích nước Anh, bao trùm hầu hết Hoa Đông và vùng trời trên khu vực quần đảo tranh chấp giữa Bắc Kinh - Tokyo. Nhật Bản và đồng minh thân cận nhất là Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ việc này. Còn theo các chuyên gia, đó là nỗ lực xói mòn quyền kiểm soát của Nhật với một khu vực gồm các đảo không có người ở gọi là Senkaku/Điếu Ngư.

Trong khi Trung Quốc khẳng định, quy định mới sẽ không ảnh hưởng tới "các hoạt động bình thường" của các chuyên bay quốc tế, thì họ lại đe dọa sẽ "áp dụng mọi biện pháp phòng thủ khẩn cấp" nếu máy bay nước ngoài không nhận dạng hoặc tuân thủ quy định.

Một quan chức Bộ Giao thông Hàn Quốc cho hay, các máy bay nước này sẽ phải thông báo về các chuyến bay cho cơ quan hàng không dân sự Trung Quốc. Yi Shin-Juang, phó giám đốc dịch vụ hàng không Đài Loan nói, các hãng hàng không của họ sẽ hành động tương tự nhưng không phải điều chỉnh đường bay.

Trong khi đó, một quan chức Cục Hàng không dân dụng Nhật khẳng định, hãng hàng không Nhật đang hoạt động trong khu vực có những điểm đến ngoài Trung Quốc đại lục sẽ có thể phải thông tin cho Trung Quốc lộ trình bay. Họ cũng được khuyến cáo cẩn trọng hơn.

Korean Air cho rằng, tuyên bố mới của Trung Quốc có nghĩa là các chuyến bay phải được thông báo cho nhà chức trách nhưng lộ trình thì không bị ảnh hưởng. Theo người phát ngôn viên của Qantas Airways, phi hành đoàn cũng sẽ phải tuân thủ quy định mới khi hoạt động trong không phận nói trên.

Quan chức ngoại giao châu Á và phương Tây nhấn mạnh, động thái của Trung Quốc là một vấn đề đặt ra với Nhật, Mỹ và khiến các nước khác có thể cảnh giác trong việc thừa nhận bất cứ tuyên bố chủ quyền nào của Trung Quốc với khu vực.

"Không ai muốn bị đặt vào vị trí đi theo các chỉ dẫn của Trung Quốc khiến bạn phải ngầm thừa nhận chủ quyền của họ ở một khu vực tranh chấp", một nhà ngoại giao châu Á nói. "Ở đây còn tồn tại nỗi sợ hãi về một cuộc chơi đang diễn ra".

TQ tung máy bay chiến đấu tuần tra ADIZ

Theo Tân hoa xã, quy định mới đưa ra ở Hoa Đông có hiệu lực luôn trong ngày thứ bảy và không quân Trung Quốc đã thực hiện chuyến tuần tra đầu tiên quanh khu vực với sự tham gia của máy bay chiến đấu, máy bay cảnh báo sớm.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố, Trung Quốc đang buộc các nước khác tuân thủ quy định của mình. Trước Quốc hội Nhật, ông khẳng định về động thái của Trung Quốc là "bước đi đơn phương để thay đổi hiện trạng Hoa Đông. Nó làm leo thang tình hình và có thể dẫn tới sự cố không mong đợi trong không phận. Đây là biện pháp cực kỳ nguy hiểm".

Trong khi đó, bộ Quốc phòng Trung Quốc nói họ có quyền hợp pháp lập khu vực nói trên và phản ứng của Nhật là "vô lý".

Thái An (theo Reuters)