Ngay sau hội nghị Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, đã nổi lên sáng kiến về chính sách đối ngoại đầu tiên...


{keywords}
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: sina

Sáng kiến ấy khởi đầu với tuyên bố của Trung Quốc khi thành lập "Vùng xác định phòng không" bao gồm không phận trên quần đảo nước này tranh chấp với Nhật Bản. Nhật hiện quản lý nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng Bắc Kinh vẫn đưa ra yêu sách chủ quyền.

Động thái của Trung Quốc xuất hiện chỉ sau 2 tuần khi hội nghị trung ương nước này công bố thành lập Hội đồng An ninh quốc gia mới, điều phối các hoạt động quân sự, tình báo, an ninh trong và ngoài nước. Giới phân tích lo ngại rằng, hội đồng này là "điềm báo trước" cho một cuộc chiến tranh lạnh ở châu Á.

Không có gì ngạc nhiên về việc thiết lập một hội đồng như vậy, truyền thông Trung Quốc khẳng định. Mỹ và Nga cũng có, Nhật Bản thì đang cân nhắc thành lập. Bên cạnh đó, Tân Hoa xã ngày 22/11 còn cố gắng giải thích: “Trung Quốc là chất ổn định cho hòa bình và an ninh thế giới, ủy ban mới giống như sự đảm bảo cho chất ổn định ấy và sẽ mang lại lợi ích cho cả thế giới".

Nếu đem điều này nói với một số người khác thì họ sẽ phản ứng thế nào?

Ví như với Itsunori Onodera - Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản - người đang giải mã lời cảnh báo của Trung Quốc sẽ có thể "huy động lực lượng quân sự tiến hành các biện pháp phòng thủ khẩn cấp" nếu các máy bay không tự nhận diện khi tiến vào vùng phòng không mới. Hoặc với Bộ trưởng Hàn Quốc Kim Kwan Jin khi khu vực mà Trung Quốc đưa ra có phần chồng lấn với đảo Jeju. Hay với ông chủ Lầu Năm Góc Chuck Hagel - người phản ứng nhanh gọn bằng cách điều động hai máy bay ném bom B52 tới Hoa Đông mà không một lời thông báo với Bắc Kinh.

Lưu ý rằng, khi tới thăm Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tuần tới, phó Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể phải nhận lại ít nhiều phản ứng bất mãn.

Chơi trò khiêu khích

Động thái của Trung Quốc đã đi ngược lại mọi tuyên bố gia tăng hòa bình, trỗi dậy như một cường quốc thế giới có trách nhiệm. Chỉ một sự cố nhỏ hoặc hiểu nhầm ở vùng trời khu vực quần đảo tranh chấp cũng có thể khiến sự việc vượt ngoài tầm kiểm soát.

Thật khó để không tự hỏi, động cơ chính trị nào đang diễn ra. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẵn sàng cho rủi ro đối đầu với Nhật nhằm "lạc hướng" những bất đồng với kế hoạch cải tổ ông đề xuất, cũng như hút dân chúng vào cái gọi là chủ nghĩa dân tộc khi họ bất bình vì ô nhiễm, bất bình đẳng thu nhập và quan chức tham nhũng.

Không thứ gì có thể khiến 1,3 tỉ dân Trung Quốc sát cánh với nhau dễ dàng như khơi gợi lòng bất mãn với Nhật.

Dĩ nhiên, Trung Quốc không hẳn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho những bất ổn ở Đông Á. Nó còn có thể được chia sẻ cho hai nhà lãnh đạo khác: Shinzo Abe của Nhật và Park Geun Hye của Hàn Quốc. Đó là chuyện ông Abe tăng tốc quân sự và mong muốn xem xét lại Hiến pháp hòa bình. Còn bà Park thì hiếm khi bỏ lỡ cơ hội chỉ trích Nhật về những lỗi lầm trong quá khứ, khiến quan hệ song phương căng thẳng.

Cho dù vậy, người ta vẫn khẳng định rằng, chính hành động của Bắc Kinh mới gây ra nguy cơ bùng nổ xung đột. Nó đi ngược lại với tinh thần cải cách và "cởi mở" mà hội nghị trung ương Trung Quốc gần đây nhắc lại. Cái gọi là Vùng xác định phòng không chắc chắn khiến quan chức Đông Nam Á như ở Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines lo ngại khi quốc gia của họ có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Với Nhật Bản, ngoài Senkaku/Điếu Ngư, thậm chí một nhóm học giả Trung Quốc còn muốn Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với cả Okinawa.

Theo giới phân tích, ông Biden cần tận dụng cơ hội để thúc đẩy "trục Mỹ" tại châu Á - khu vực cho tới nay vẫn thiếu cả củ cà rốt lẫn cây gậy. Tại Tokyo, ông nên cổ vũ Thủ tướng Abe dẫn dắt người dân hướng theo sự ràng buộc minh bạch hơn với châu Á hơn là chỉ dựa trên bản năng chủ nghĩa dân tộc. Ở Seoul, phó Tổng thống Mỹ cần khuyến khích Tổng thống Park làm việc với ông Abe, về thương mại môi trường hay Triều Tiên và cả thách thức trong quản lý dân số đang già hóa. Mỹ cũng cần thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa các lãnh đạo Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc. 

Nhưng ông Biden cũng phải cứng rắn khi trao đổi với lãnh đạo Bắc Kinh. Trung Quốc nói các tham vọng toàn cầu của họ là hòa bình và chiến tranh không phải mục đích theo đuổi. Điều đó quả thực tốt, hay ít nhất nghe thấy tốt. Nhưng các hành động thực tế gần đây mà Bắc Kinh thực hiện lại không tạo dựng sự tin tưởng.

Thái An (theo Bloomberg)