Với việc điều động hai máy bay B52 tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Tổng thống Obama dường như gửi lời nhắc nhở rằng, Mỹ vẫn muốn hướng Đông chứ không chỉ là vũng lầy Trung Đông.


{keywords}
Ảnh: Getty Images

Sự thay đổi của ông Obama, được gọi là xoay trục, luôn bị đánh giá nặng về lý thuyết hơn thực tế. Nhưng khi Phó Tổng thống Joseph R. Biden Jr. tới thăm Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc tuần tới, Washington sẽ có cơ hội mới để củng cố chính sách của mình.

“Những gì chưa rõ ràng với tôi là liệu họ có coi đây như một vấn đề Nhật - Trung cần phải kiểm soát hay là một phần phép thử lâu dài về ý chí hành xử với Bắc Kinh", Michael J. Green, cố vấn châu Á thời chính quyền Bush, hiện làm việc tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược cho biết.

Nếu là vế sau, Green cho rằng, Mỹ cần biểu dương sức mạnh quân sự trong khu vực, tăng cường xây dựng các khả năng phòng thủ của đồng minh như với Nhật và Philippines, cũng như sắp xếp các quốc gia nằm dọc theo bờ biển Trung Quốc thành một mặt trận thống nhất chống lại sự gây hấn từ Bắc Kinh. "Vấn đề là ở chỗ chính quyền rất lo lắng về việc bị xem là kiềm chế Trung Quốc", ông nói.

Nguyên nhân dẫn tới căng thẳng hiện nay là nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện nằm dưới sự quản lý của Nhật nhưng Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền. Tranh chấp căng thẳng khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ xung đột giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới. Một Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cứng rắn và bảo thủ "đấu trí" với một Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - người đang chèo lái cơn thủy triều chủ nghĩa dân tộc trong nước.

Theo lời các cố vấn của ông Biden, tranh chấp có thể hiện diện trong mọi cuộc hội đàm của ông với các nhà lãnh đạo khu vực. Nó khiến cho chương trình nghị sự gồm thúc đẩy thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương, giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên thêm nặng nề và căng thẳng. Ông Biden cũng phải quyết định làm thế nào để xoa dịu sự gay gắt giữa Thủ tướng Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.

Hợp tác, kiềm chế

Cân bằng một cách tinh tế trong chính sách châu Á của Tổng thống Obama, lằn ranh giữa hợp tác và kiềm chế Trung Quốc - là minh chứng cho thấy những thông điệp khác nhau trong hai tuần qua của Washington. Phát biểu trước động thái mới nhất của Bắc Kinh, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan E. Rice nhấn mạnh, Mỹ muốn tìm kiếm "một mô hình mới cho quan hệ nước lớn". Trong bài phát biểu đầu tiên về vấn đề châu Á, bà giải thích: "Điều đó có nghĩa là, quản lý cạnh tranh không thể tránh khỏi trong khi thúc đẩy hợp tác về các vấn đề cùng quan tâm".

Đề cập đến tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các láng giềng - không chỉ với Nhật ở Hoa Đông mà còn với một số nước Đông Nam Á ở Biển Đông - bà Rice thúc giục "tất cả các bên loại bỏ áp chế và gây hấn, theo đuổi tuyên bố chủ quyền phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế".

Trong thực tế, áp chế và gây hấn đang thiên về phía Trung Quốc lúc hành xử với các láng giềng nhỏ hơn. Khi Bắc Kinh tuyên bố thiết lập Vùng xác định phòng không với phạm vi bao trùm không phận quần đảo tranh chấp với Nhật, thì Mỹ đã "vượt rào". Ngoại trưởng John Kerry lập tức chỉ trích về cái ông gọi là "hành động leo thang" của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel thì khẳng định, Mỹ sẽ không thay đổi bất kỳ hoạt động quân sự nào trong khu vực này. Điều động 2 máy bay ném bom là minh chứng rõ ràng nhất.

Theo quan chức Washington, điều quan trọng là đẩy lùi lời khẳng định thẩm quyền không rõ ràng của Trung Quốc với vùng không phận quốc tế. Bắc Kinh quy định các máy bay nước ngoài bay qua Vùng xác định phòng không phải tự nhận diện và nộp kế hoạch bay vào không phận Trung Quốc.

Việc Mỹ điều động máy bay B52 tới vùng tranh chấp mà không một lời cảnh báo đã giúp cho Biden tránh được vai là người cứng rắn. Nhưng nhiều chuyên gia nói rằng, ông cần phải tỏ rõ trong các cuộc hội đàm với ông Tập Cận Bình về nhìn nhận của Washington trước động thái sai lầm của Bắc Kinh.

Căng thẳng sẽ còn leo thang. Hải quân Mỹ đưa con tàu sân bay duy nhất ra Biển Đông. Còn ở Hoa Đông, một nhóm tàu sân bay Mỹ đã cùng với đội tàu chiến Nhật thực hiện các cuộc diễn tập hải quân. Với mức độ hỏa lực tập trung dày đặc tới các vùng tranh chấp nóng bỏng, các chuyên gia cho rằng, mối nguy hiểm thực sự đang tồn tại khi các bên tính toán sai lầm.

Theo chuyên gia Trung Quốc, tin tức tốt lành là ông Tập dường như quan tâm tới việc đại tu kinh tế Trung Quốc hơn là chủ nghĩa phiêu lưu quân sự. Nguy cơ chiến tranh vẫn ở mức thấp, nhưng đôi khi sự cố sẽ đẩy các nhà lãnh đạo tới chân tường.

Thái An (theo New York Times)