- Luật Biển Việt Nam chính thức có hiệu lực (1/1/2013) tạo cơ sở pháp lý cho các ngành chức năng trong việc quản lý, bảo vệ sử dụng hiệu quả các vùng biển, đảo, tăng cường hợp tác với các nước trong bối cảnh nước ta đang tích cực hội nhập quốc tế.

Năm 2013, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, các vấn đề liên quan đến công tác biên giới lãnh thổ đã được xử lý hiệu quả, góp phần giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia và duy trì môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc phát triển của đất nước.

Việt - Trung và biên giới trên biển

Trong năm qua, các cơ quan chức năng và địa phương hai bên đã phối hợp chặt chẽ triển khai các văn kiện biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Cơ chế Ủy ban liên hợp và Đại diện biên giới vận hành thông suốt, hiệu quả. Tình hình trên tuyến biên giới cơ bản ổn định; trật tự trị an được tăng cường, giao lưu và các hoạt động kinh tế biên giới được mở rộng.

Việt Nam đã chủ động, tích cực trao đổi với phía bạn về việc mở, nâng cấp các cặp cửa khẩu, hoàn thành việc đấu nối đường giao thông 2 nước tại khu vực cửa khẩu. Trước một số vụ việc liên quan đến xây dựng công trình biên giới chưa đúng quy định, hai bên đã trao đổi giải quyết thỏa đáng.

Về vấn đề trên biển, trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, các bộ, ban , ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý các vấn đề nảy sinh trên biển, kiên quyết đấu tranh với những hành vi xâm phạm, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển.

{keywords}
Việt-Trung tuần tra liên hợp trên biển tháng 6/2013. Ảnh: Thanh niên

Bên cạnh đó, Việt Nam nỗ lực thúc đẩy đàm phán với các bên liên quan về các vấn đề trên biển, cụ thể là cùng với Trung Quốc tổ chức 4 vòng đàm phán cấp chuyên viên về vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, 4 vòng về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển hai nước.

Phối hợp với Indonesia tiến hành 5 vòng đàm phán về phân định vùng đặc quyền kinh tế; cùng Malaisia thúc đẩy Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa xem xét báo cáo về ranh giới ngoài thềm lục địa chung.

Phối hợp với Philippines triển khai các hoạt động hợp tác về biển và đại dương; trao đổi với Thái Lan và Malaysia về hợp tác ở khu vực chồng lấn thềm lục địa giữa 3 nước…

Cùng các nước ASEAN, Việt Nam cũng tích cực phối hợp với Trung Quốc thúc đẩy việc tiến hành tham vấn và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, quan điểm xây dựng của Việt Nam về vấn đề Biển Đông đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế.

Hầu hết các nước đều quan tâm, mong muốn duy trì hòa bình ổn định, đảm bảo an ninh an toàn hàng hải ở biển Đông; ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; kêu gọi các bên nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông ( DOC), hướng tới COC.

{keywords}
Cùng ASEAN, TQ thúc đẩy xây dựng thành công COC.

Ở trong nước, luật Biển Việt Nam chính thức có hiệu lực (1/1/2013) tạo cơ sở pháp lý cho các ngành chức năng trong việc quản lý, bảo vệ sử dụng hiệu quả các vùng biển, đảo, tăng cường hợp tác với các nước trong bối cảnh nước ta đang tích cực hội nhập quốc tế.

Việt - Lào: đường biên lịch sử

Sau hơn 5 năm triển khai công tác tăng dày, tôn tạo mốc biên giới hai nước trên thực địa, Việt Nam và Lào đã hoàn thành việc xây dựng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại với 792 vị trí mốc, tương ứng 834 cột mốc và cắm bổ sung 165 cọc dấu, góp phần làm rõ hướng đi của đường biên giới.

Hai bên đang khẩn trương hoàn thành toàn bộ dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới vào năm 2014 theo đúng kế hoạch.

{keywords}
Thủ tướng hai nước Việt - Lào tại lễ chào mừng hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới trên thực địa tháng 7/2013. Ảnh: Chinhphu.vn

Biên giới Tây Nam và 2/3 chặng đường cắm mốc

Trong năm qua, Việt Nam đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy tiến trình phân giới cắm mốc, tích cực phối hợp với Campuchia trong đàm phán, khảo sát thực địa để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình phân giới cắm mốc, tuy nhiên hiện vẫn còn một số khu vực tồn đọng do chưa thống nhất được công tác chuyển vẽ đường biên giới.

Hai bên đã xác định 237 vị trí/287 cột mốc, xây dựng 231 vị trí/280 cột mốc, phân giới được khoảng 858km đường biên giới.

Việt Nam và Campuchia khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy giải quyết các vấn đề còn tồn đọng cả trong đàm phán lẫn trên thực địa, quyết tâm sớm kết thúc công tác phân giới cắm mốc.

L.Thư - H.Nhì