Trung Quốc và Nhật Bản có thể tránh xung đột ở Hoa Đông bằng cách thay "Vùng nhận diện phòng không" (ADIZ) bằng "Vùng hòa bình".

Đồng hồ đã điểm những tiếng đầu tiên cho một cuộc xung đột. Với việc Trung Quốc tuyên bố lập ADIZ tại Hoa Đông và phản ứng mạnh mẽ từ Nhật, Mỹ, một số quốc gia khác thì căng thẳng trên vùng biển này đang lên tới cực độ.

{keywords}
Ảnh: Reuters

Cộng thêm chuyện Mỹ điều máy bay ném bom tới đây, khu vực quanh các đảo nhỏ không có người ở trở thành một vùng căng thẳng với nguy cơ sự cố hoặc đụng độ. Cũng giống như vụ va chạm giữa máy bay do thám Mỹ và máy bay chiến đấu Trung Quốc năm 2001, nếu các nước tiếp tục cuộc chơi này, thì sự cố là điều không thể tránh khỏi.

Bất cứ ai nghiên cứu về quan hệ quốc tế Đông Á đều biết rằng, một sự cố nhỏ Trung - Nhật lập tức có thể leo thang thành cuộc khủng hoảng lớn, thậm chí là xung đột quân sự.

Nguồn cơn thực sự của xung đột giữa hai người khổng lồ châu Á không chỉ vì những hòn đảo nhỏ ở Hoa Đông, mà còn là nỗi lo sợ danh dự bị đe dọa. Đối với mối quan hệ song phương này, những ký ức nạn nhân và lịch sử không chỉ là vấn đề tâm lý hay khái niệm liên quan tới nhận thức và quan điểm như trong những mối quan hệ khác. Chúng là yếu tố chủ chốt trong việc xây dựng bản sắc dân tộc và ảnh hưởng tới quá trình hoạch định chính sách đối ngoại.

Trung Quốc và Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, nghĩa là bất kỳ xung đột nào cũng sẽ gây ra những tác động toàn cầu khôn lường. Hơn thế nữa, mối quan hệ song phương này không thực sự là song phương. Mọi xung đột giữa hai nước sẽ tự động cuốn Mỹ vào cuộc. Đây là lúc chính phủ các bên liên quan phải xem xét nghiêm túc việc làm thế nào để ngăn chặn khủng hoảng cũng như xung đột.

Đề xuất đưa ra là phân định ranh giới không gian và vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thành "một vùng hòa bình". Trung Quốc và Nhật có thể nhất trí không điều động bất kỳ tàu quân sự, máy bay hay binh lính tới vùng này trong khoảng thời gian nhất định, như hai năm để tránh sự cố và xung đột. Kích thước của Vùng hòa bình được quyết định bởi các bên liên quan, nó sẽ chỉ là một thỏa thuận tạm thời và không vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ mà mỗi bên đưa ra.

Vùng hòa bình có thể được dùng như công cụ để quản lý mâu thuẫn trong rất nhiều cuộc xung đột sâu xa, từ quốc tế tới sắc tộc hay cộng đồng. Nhưng cũng giống như bất kỳ đề xuất hòa bình nào, sẽ có khó khăn thách thức phải vượt qua. Một đề xuất như thế sẽ khiến chính phủ hai nước cân nhắc để chấp thuận, và từ bỏ các vị trí hiện tại, dẫn tới sự phản đối trong nước.

Khi chủ nghĩa dân tộc gia tăng ở Trung Quốc và Nhật Bản, các chính phủ có ít sự linh hoạt hơn trong xử lý quan hệ song phương. Cũng có những trở ngại cụ thể với cả hai bên. Nhật có thể tin rằng, quần đảo tranh chấp nằm dưới sự quản lý của họ cả thế kỷ này, thì đề xuất Vùng hòa bình có thể giống như việc họ từ bỏ quyền lực hành chính. Tại Bắc Kinh, chính phủ có thể lo lắng khi chấp thuận Vùng hòa bình về thực chất là sự phủ nhận ADIZ mà họ mới công bố.

Để vượt qua điều này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản đầu tiên cần thể hiện rõ tầm nhìn, can đảm và quyết tâm tạo lập hòa bình. Thiết lập Vùng hòa bình là một chiến thuật ngăn chặn khủng hoảng. Nó sẽ không thay đổi bất cứ tuyên bố pháp lý hay nguyên trạng nào của yêu sách chủ quyền. Nếu họ muốn tránh xung đột, nhất là sự gia tăng các sự cố nhỏ, thì họ phải có biện pháp giảm thiểu rủi ro thông qua sử dụng các công cụ như Vùng hòa bình.

Phản ứng bắt nguồn từ việc lo sợ mất danh dự hay thể diện không phải là công việc của những người chơi sáng suốt. Tiếp đến, Mỹ cần tham gia trong vai trò đạt được thỏa thuận. Những khó khăn nội địa ở Nhật và Trung Quốc khiến cho đề xuất không khả thi khi mong chờ mỗi nước tự mình khởi động tiến trình đàm phán với phía còn lại. Một bên khác cần có bước đi đầu tiên để thúc đẩy đề xuất. Kể cả Mỹ không phải là bên thứ ba trung lập, họ vẫn có thể chấp thuận vai trò hòa giải.

Nguy cơ khủng hoảng leo thang và thừa nhận hậu quả khôn lường sẽ đòi hỏi các bên cần hành động lập tức. Cuộc chiến tốt nhất là cuộc chiến có thể ngăn chặn được. Và cuộc xung đột xuẩn ngốc nhất là bắt nguồn từ những sự cố.

Thái An (theo Diplomat)