- Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Công thương có tới 10 thứ trưởng, trong khi quy định tối đa là 4.
Tuy đã được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn nhưng sau 10 năm cải cách hành chính, nhiều bộ vẫn có quá nhiều thứ trưởng so với quy định.
Đây là nội dung báo cáo về thực hiện 10 năm cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước (2001 – 2010), một trong những văn bản được đại diện các bộ lần lượt đọc sáng nay (5/4) trong hội nghị tổng kết 10 năm cải cách hành chính (CCHC) do Thủ tướng chủ trì. Hội nghị toàn quốc 1 ngày này diễn ra dưới hình thức trực tuyến.
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng, cơ cấu tổ chức Chính phủ đã được sắp xếp, kiện toàn tinh gọn, hợp lý hơn.
Bằng chứng là số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã giảm từ 48 xuống còn 30.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Thắng, nếu quy định mỗi bộ chỉ được có tối đa 4 thứ trưởng, thì thực tế Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Công thương có tới 10 thứ trưởng. Bộ Tài nguyên - Môi trường, Ngoại giao, Tài chính có 7 vị. Bộ Xây dựng hay ngay cả Bộ Nội vụ - cơ quan Chính phủ chủ trì CCHC - có 6 thứ trưởng.
Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn: CCHC nhiệm vụ đề ra nhiều nhưng chưa gắn với biện pháp nên chưa làm đến nơi, đến chốn. Ảnh: H.Anh
Giảm số bộ xuống dưới 20
Lý giải nguyên nhân việc chấp hành không nghiêm kỷ luật hành chính ngay từ các bộ ngành trung ương này, Bộ Nội vụ nêu ngoài việc chồng chéo, trùng dẫm chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, còn có nguyên nhân khác là sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ chưa kiên quyết. Mặt khác, số lượng thứ trưởng vượt quá quy định còn do yêu cầu luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo từ địa phương lên Trung ương và thực hiện chính sách cán bộ nữ theo Luật Bình đẳng giới.
Trên trực tế, tuy việc bổ sung thứ trưởng tại một số bộ được đặt ra trong bối cảnh bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực có nhiều tổng cục, Thủ tướng quyết định bổ nhiệm thứ trưởng kiêm tổng cục trưởng. Nhưng xét về cơ chế chỉ đạo, điều hành sẽ không rõ vai trò, chức trách khi nào là thứ trưởng với tư cách là lãnh đạo bộ đối với tổng cục, khi nào là vai tổng cục trưởng chịu sự lãnh đạo, điều hành của bộ, dẫn đến khó khăn trong việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức. Việc này đã được một số đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng và Bộ trưởng Nội vụ.
Bộ Nội vụ khẳng định “sau Đại hội Đảng XI sẽ điều chỉnh số cán bộ lãnh đạo giữa các bộ, ngành, cơ quan lãnh đạo của Đảng và địa phương để từng bước có số lượng thứ trưởng hợp lý theo quy định”.
Giai đoạn 10 năm 2011 - 2020, bộ máy Chính phủ và các cơ quan trong hệ thống hành chính các cấp sẽ được điều chỉnh tinh gọn, hợp lý hơn, điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt là cơ chế chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và các bộ trưởng theo yêu cầu rõ thẩm quyền và trách nhiệm của tập thể Chính phủ, cá nhân người đứng đầu từng cấp.
Sẽ tiếp tục cải cách cơ cấu tổ chức Chính phủ các khóa XIII, XIV, XV theo hướng giảm dần số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ đến mức cần thiết, phù hợp với vai trò, chức năng trong tình hình mới. Đẩy mạnh phân cấp giữa Chính phủ và chính quyền cấp tỉnh gắn với việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ, các bộ và chính quyền địa phương trong quản lý phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, từ nay đến kết thúc nhiệm kỳ Chính phủ khóa XII, sẽ rà soát, đánh giá và tổng kết việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương. Chính phủ các khóa XIV, XV có thể ổn định số lượng các bộ còn dưới 20.
Chính phủ còn
ôm đồm Liên quan đến
việc xây dựng và ban hành
các nghị định của Chính phủ, Bộ Nội vụ cho rằng việc lấy phiếu ý kiến
thành viên
Chính phủ còn mang nặng tính hình thức, chất lượng ý kiến tham gia còn
hạn chế.