Với động cơ êm ả, các loại tàu ngầm thông thường tốt nhất của Trung Quốc được trang bị ngư lôi và tên lửa hiện đại có thể là mối đe dọa lớn nhất với bất kỳ đối phương nào, kể cả Hải quân Mỹ.
Hạm đội tàu ngầm Trung Quốc. Ảnh: wordpress |
Cho dù thế nào thì lệnh cấm vận vẫn gây khó dễ với Bắc Kinh. Việc bán thiết bị khí tài hoàn chỉnh như máy bay chiến đấu châu Âu, tàu ngầm Đức, tàu sân bay Tây Ban Nha vẫn không thể thực hiện trong tương lai gần.
Trong khi đó, châu Âu phát hiện sức hút của việc bán linh kiện, nhất là nếu họ kết hợp với những công nghệ “kép” nằm ngoài lệnh cấm vận. “Không ai bán hệ thống vũ khí hoàn chỉnh”, Otfried Nassauer, giám đốc Trung tâm thông tin an ninh xuyên Đại Tây Dương Berlin, cũng là chuyên gia buôn bán vũ khí Đức nói. “Nhưng các thành phần riêng lẻ, nhất là linh kiện công nghệ cao có giá trị thì không thành vấn đề”.
Các nhà sản xuất động cơ Đức đã đóng góp công nghệ để hỗ trợ việc Trung Quốc mở rộng hạm đội tàu phụ trợ với vệ tinh giám sát và tên lửa.
Man Diesel & Turbo năm ngoái đã tuyên bố sẽ cung cấp động cơ được cấp phép để Trung Quốc chế tạo hai tàu vận chuyển mới cho cơ quan Kiểm soát và giám sát vệ tinh hàng hải (GAD). Nhà sản xuất động cơ châu Âu cũng sẽ cung cấp hộp số, cánh quạt và hệ thống điều khiển động cơ cho các tàu.
Một người phát ngôn của hãng tiết lộ, khoảng 250 động cơ đã được chế tạo cho hải quân Trung Quốc. “Tất cả hoạt động của chúng tôi đều tuân thủ đầy đủ quy định kiểm soát xuất khẩu cũng như lệnh cấm vận của Đức và EU”, người phát ngôn nhấn mạnh. “Không động cơ nào được thiết kế chuyên dụng cho mục tiêu quân sự, có nhiều ứng dụng dân sự với các loại động cơ này”.
Thảm họa dưới nước
Loại động cơ tàu ngầm đáng tin cậy chiếm vị trí ưu tiên trong danh sách mua sắm của Bắc Kinh, và hải quân Trung Quốc có lý do hợp lý để trông chờ loại tốt nhất.
Cuối mùa xuân năm 2003, một tàu ngầm Trung Quốc được phát hiện trong trạng thái trôi dạt ở biển Bột Hải, ngoài khơi phía bắc. Toàn bộ 70 thủy thủ đoàn đã thiệt mạng. Tai nạn này bị đổ lỗi cho những “trục trặc động cơ”.
Kể từ đó, giới thủy thủ tàu ngầm trên toàn thế giới cố tìm cách lý giải tai nạn với tàu ngầm số 361 lớp Minh, một phiên bản Trung Quốc từ thiết kế lỗi thời của Nga. Phần lớn nhất trí rằng, có thể do lỗi của động cơ diesel. Động cơ không đóng lại trực tiếp khi tàu chìm, hút oxy khỏi thân tàu hoặc xả hơi ngạt… Cho dù thế nào, thì kết quả thực sự là thảm họa.
Đó là một thảm họa quân sự thời bình tồi tệ nhất của Trung Quốc. Phụ trách hải quân và ba quan chức khác bị sa thải. Nhưng hải quân PLA đã được giao nhận động cơ diesel từ MTU. Các kỹ sư của xưởng đóng tàu Vũ Xương đã tiến hành lắp đặt chúng trong những tàu ngầm thông thường nội địa đầu tiên lớp Tống.
MTU thuộc tập đoàn Tognum của Đức, đồng sở hữu bởi tập đoàn đa quốc gia tại Anh Rolls Royce Group PLC và Daimler AG (Đức). Công nghệ diesel tàu ngầm không phải là mới mẻ, nhưng động cơ được xây dựng với các tiêu chuẩn chính xác, đảm bảo sự tin cậy trong điều kiện khắc nghiệt. MTU đã sản xuất loại động cơ này trong hơn nửa thế kỷ. Loại cung cấp cho các tàu lớp Tống và Nguyên của Trung Quốc là một trong những loại được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Mỗi tàu ngầm Trung Quốc có ba động cơ diesel MTU.
Tàu ngầm tàng hình
Những động cơ chất lượng hàng đầu như thiết kế của MTU đã giảm thiểu tiếng ồn và độ rung, nhờ đó tránh được nguy cơ bị đối phương phát hiện. Theo các chuyên gia quân sự, chúng có khả năng hoạt động âm thầm đáng kể hơn nhiều so với tàu ngầm hạt nhân đang phục vụ trong hải quân Mỹ. Với khoản đầu tư khá khiêm tốn, một động cơ diesel điện có thể đánh chìm tàu sân bay hay tàu chiến đắt giá.
Với động cơ êm ả, các loại tàu ngầm thông thường tốt nhất của Trung Quốc được trang bị ngư lôi và tên lửa hiện đại có thể là mối đe dọa lớn nhất với bất kỳ đối phương nào, kể cả Hải quân Mỹ. Các nhà chiến lược hải quân Bắc Kinh đang gánh sứ mệnh mở rộng đội tàu ngầm, khiến Mỹ và đồng minh tránh xa những điểm nóng chiến lược trong điều kiện xảy ra xung đột ở vùng tranh chấp ở Hoa Đông hay Biển Đông.
Điều đó có nghĩa là, phương pháp chiến tranh hiện đại mà Lầu Năm Góc ưa thích - đưa tàu sân bay tiếp cận gần bờ biển đối phương và không kích - sẽ rất nguy hiểm trong bất kỳ cuộc xung đột nào với Trung Quốc.
Hải quân PLA đã minh chứng khả năng này. Trong năm 2006, một tàu ngầm lớp Tống đã gây bất ngờ cho Hải quân Mỹ khi nổi lên gần ngay tàu sân bay Kitty Hawk trong tầm bắn của ngư lôi ở ngoài khơi Okinawa, Nhật Bản. Quan chức Mỹ về sau xác nhận, tàu Trung Quốc không bị phát hiện khi ấy.
Theo dữ liệu Tình báo Hải quân Mỹ, số lượng tàu ngầm tuần tra của PLA đã tăng từ 4 chiếc năm 2001 lên 18 chiếc năm 2011. Một quan chức hải quân cấp cao Mỹ từ chối bình luận về việc Đức cung cấp động cơ diesel cho Trung Quốc, nhưng khẳng định Mỹ ý thức được thách thức này. “Động cơ diesel rất khó phát hiện, nhưng chúng tôi luôn đầu tư để cải thiện các khả năng của mình”.
Thái An (theo VOA)