- Có người nhập khẩu một lô hàng, thuế môi trường vài trăm ngàn đồng nhưng phải mất gấp đôi số ấy mới nộp được thuế... Như thế làm sao cải thiện môi trường kinh doanh? - nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nêu.

Sáng 31/12 tại Hà Nội, Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh tổ chức cuộc họp “Báo cáo đề án xây dựng bộ chỉ số và phương pháp đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia” do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Hội đồng - chủ trì.

Lo ngại năng lực cạnh tranh

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phác sơ lược “bức tranh” về năng lực cạnh tranh năm 2012 của Việt Nam thông qua đánh giá của các tổ chức quốc tế uy tín (như Ngân hàng thế giới - WB, Diễn đàn kinh tế thế giới) với những chỉ số cụ thể: Chỉ số năng lực toàn cầu của VN đứng thứ 75/139; Chỉ số sẵn sàng hợp tác xếp thứ 83/142; Chỉ số thúc đẩy thương mại toàn cầu 68/132.

Chỉ số năng lực cạnh tranh về du lịch xếp thứ 80/128; Chỉ số chính phủ điện tử 83/190; nhận thức về tham nhũng 112/183. Ngoài ra, chỉ số về nộp thuế, tiếp cận thuế đứng thứ 138...

“Cái nào xếp thứ từ 80 trở lên là phải suy nghĩ, những cái xếp thứ trên 100 đến trên 130 thì phải là trọng điểm trong thời gian tới đây”, ông Đam cho hay.

{keywords}
Ảnh: Minh Thăng


Theo ông, nhìn vào những chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam mà các tổ chức này đưa ra có thể thấy rõ ràng trách nhiệm của các bộ, ngành.

“Cải thiện làm sao được?”

Ông Trương Chí Trung - Thứ trưởng Bộ Tài chính - nơi có chỉ số đánh giá cạnh tranh về lĩnh vực thuế xếp thứ 138 - cho rằng các chỉ số về năng lực cạnh tranh thấp là bởi các nước phát triển mạnh các đại lý thuế, đại lý hải quan, thay mặt DN giao dịch khiến thời gian và tranh chấp giao dịch liên quan đến thuế rất ít.

Trong khi đó, ở nước ta, thuế, hải quan rất không thích tiếp cận đại lý thuế do DN thuê mà thích làm việc trực tiếp với DN. Ông Trung kiến nghị cần có chỉ thị chỉ đạo mạnh mẽ ở cấp cao hơn nữa bởi đây là thói quen, luật có rồi, thực thi không được là do nhận thức.

Nghe những gì ông Trung nói, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, ủy viên Hội đồng phản bác ngay: Ta rất nhiều chỉ thị mà không ăn thua. Trong vấn đề thuế như vừa nói, đại lý thuế hay đại lý hải quan chưa phải quan trọng nhất.

“Các đồng chí thuế, hải quan vất vả tôi rất chia sẻ, nhưng có chuyện có người nhập khẩu một lô hàng, thuế môi trường mất có vài trăm ngàn đồng nhưng phải mất gấp đôi số ấy mới nộp được thuế. Thuế ít quá nên cơ quan thuế không muốn thu vì mất thời giờ, DN phải đút mất mấy phong bì mới nộp được thuế. Như thế thì làm sao mà cải thiện được môi trường kinh doanh?”, ông Tuyển thẳng thắn.

Đánh giá của quốc tế “là tiền là bạc”

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đánh giá của WB rất quan trọng. Với các chỉ số này, Việt Nam quan tâm không phải vì chạy theo thành tích mà bởi những đánh giá đó “là tiền, là bạc, là cơ hội phát triển”.

“Mình được đánh giá tốt thì mình ra ngoài vay vốn dễ hơn, hợp tác cũng tốt hơn. Phải làm sao để các chỉ số đánh giá được cải thiện” - ông nhận định.

Về đề án xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia, Phó Thủ tướng cho rằng cuộc đua hiện nay là của cả thế giới, mình giỏi hay không hãy để người khác đánh giá.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh “nên dẹp đề án này đi” bởi tự mình đo mình không bao giờ chính xác. Bộ chỉ số đánh giá của WB hay Diễn đàn kinh tế thế giới dùng thước đo chung để đo các nước khác nhau, Việt Nam phải tuân thủ.

Theo bà, Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng các báo cáo đánh giá của các đơn vị uy tín (như báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010 của Michael Porter đến giờ vẫn còn nguyên giá trị) thay vì lập đề án, ban bệ để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá riêng.

Bà Phạm Chi Lan cũng nêu ý kiến về hoạt động của Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bà Lan cho biết ngay tại buổi họp đầu tiên của Hội đồng thì Chủ tịch khi đó cho biết đó là hội đồng thứ 23 mà ông chủ trì.

“Nghe thế tôi rụng rời chân tay rồi, như vậy sức đâu mà làm, mỗi năm chỉ cần mỗi hội đồng họp 1 lần thì mỗi tháng người đó đã có 2 cuộc họp. Đã hình thành thì Hội đồng phải hoạt động cho được, chứ thực tình Hội đồng cứ kéo dài như thế này thì có lẽ tôi xin chủ động rút vì tham gia vào mà không làm được gì, vì lãng phí thời gian, công sức”, bà Lan nói.

Chốt cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết các thành viên Hội đồng thống nhất ngừng xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia. Các căn cứ mà Việt Nam quan tâm là đánh giá của WB và Diễn đàn kinh tế thế giới, đặc biệt là của WB vì nó liên quan nhiều đến thể chế - là những cái Việt Nam có thể tiến hành cải cách ngay mà không quá tốn kém.

Hội đồng sẽ lập một nhóm tình nguyện gồm 8 chuyên gia tư vấn để rà soát đánh giá của các tổ chức trên rồi báo cáo Thủ tướng, kiến nghị các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như vạch rõ trách nhiệm các bộ, ngành.

Cẩm Quyên