Nhật sẽ khẳng định tầm nhìn của mình với Đông Á hay đơn giản là tiếp tục phản ứng với Trung Quốc? Đây là câu hỏi lớn nhất trong năm 2014 với Tokyo khi căng thẳng tiếp tục dâng cao.


{keywords}
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ảnh: Guardian

Quyết định của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong gia tăng chi tiêu quân sự, củng cố chiến lược an ninh dài hạn đang tạo sự thay đổi trong cuộc chơi khu vực.

Căng thẳng tranh chấp biển đảo tại Hoa Đông sẽ tiếp tục là điểm nóng năm nay, và thực tế khó có giải pháp dễ dàng cho tranh chấp cho quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm dưới sự quản lý của Nhật nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Mới đây, Tokyo quyết định gia tăng chi tiêu quân sự lên 239 tỉ USD trong 5 năm tới, cùng một chiến lược an ninh quốc gia 10 năm. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất thể hiện rằng họ rất nghiêm túc trong củng cố khả năng quốc phòng để đối phó với một Trung Quốc trỗi dậy về kinh tế và quân sự.

Được ông Abe mô tả là “hoà bình chủ động”, kế hoạch quốc phòng mới nhất của Nhật tập trung vào việc tăng cường các khả năng hàng hải, bao gồm gia tăng số lượng tàu khu trục từ 7 lên 54 chiếc. Sáu tàu ngầm mới cũng sẽ được thêm vào hạm đội hiện tại gồm 16 chiếc, cùng với 20 máy bay chiến đấu mới… tất cả nhằm củng cố khả năng tự khẳng định mình của Tokyo trong vùng biển có nhiều tranh chấp.

Tại sao Nhật lại cảm thấy cần phải gia tăng các khả năng quốc phòng dù gần đây hiến pháp không cho phép khả năng tấn công quân sự? Câu trả lời là chuyện Trung Quốc liên tục tăng chi tiêu quân sự ở mức hai con số trong thời gian dài, cùng với hành động quả quyết sẵn sàng thể hiện sức mạnh đang trỗi dậy.

Kiềm chế chảo dầu

Chắc chắn, việc Bắc Kinh tuyên bố thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông sẽ chỉ khiến Tokyo cảm thấy cần chuẩn bị tốt hơn để ứng phó trong trường hợp căng thẳng “quá lửa”. Với một nước Mỹ đồng minh đang cố giảm chi tiêu ngân sách trong khi vẫn đảm bảo sự cân bằng chiến lược hướng về châu Á - Thái Bình Dương, Nhật rất muốn minh chứng rằng, họ đang sẵn sàng và có thể thể hiện sức mạnh.

Vấn đề là, mặc dù có thể hoan nghênh Nhật gia tăng các khả năng quốc phòng cũng như việc Tokyo gánh vác trách nhiệm lớn hơn với an ninh của chính mình, Washington cũng bày tỏ rõ mong muốn có mối quan hệ ổn định với Bắc Kinh. Điều này được nhấn mạnh tại cuộc họp kéo dài hơn 5h giữa Phó tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tháng 12/2013.

Dĩ nhiên, căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp bắt nguồn từ những lý do sâu xa. Khởi đầu, Bắc Kinh lập luận các hiệp ước hoạch định lãnh thổ trong vùng biển này được soạn thảo và thông qua bởi những cường quốc liên minh thời hậu Thế chiến II mà không có bất kỳ sự tham gia nào của Trung Quốc. Rồi cả Bắc Kinh và Seoul đều tiếp tục khẳng định Tokyo không có hành động xin lỗi phù hợp cho sự xâm lược của Nhật thời chiến, hay việc buộc phụ nữ làm nô lệ tình dục phục vụ quân đội Nhật. Chính vấn đề này là một trong những lý do căn bản giải thích vì sao ông Abe vẫn chưa có cuộc gặp song phương chính thức nào với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye.

Hiện tại, những căng thẳng địa chính trị chỉ có ảnh hưởng giới hạn đến thị trường tài chính khu vực. Nhưng căng thẳng leo thang có thể không chỉ tác động tới thương mại song phương giữa các nước có liên quan, nó sẽ làm xói mòn lòng tin - thứ cần thiết với Nhật khi họ cố gắng phục hồi sau hai thập niên trì trệ kinh tế.

Nhật có thể vượt qua thách thức, hay thậm chí ngăn chặn sự cố vượt ngoài tầm kiểm soát hay không - điều đó sẽ không chỉ xác định vị thế của Tokyo trong 2014 mà còn xác định tương lai của họ trong những năm tới.

Thái An (theo CNN)