Không có khuôn khổ chính trị nào để giải quyết đối đầu nguy hiểm ở biển Hoa Đông xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền đảo giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

{keywords}
Ảnh: Presstv

Đông Á đang là một trung tâm kinh tế toàn cầu, nhưng tiến bộ kinh tế không được phản ánh trong tiến trình quan hệ giữa các quốc gia khu vực. Đông Á đang trở thành bãi lầy của những đối đầu quá khứ và hiện đại, đôi khi trở nên căng thẳng cực điểm vì chủ nghĩa dân tộc. Tồi tệ hơn là, khác với hầu hết phần còn lại của thế giới, ở đây không có một cơ chế khu vực nào tương xứng để thúc đẩy giải pháp hòa bình, giải quyết các tranh chấp ngày một chồng chất giữa các nước láng giềng.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản bắt nguồn từ rất lâu. Ác cảm hiện tại của người Trung Quốc với Nhật xuất phát từ việc Nhật chiếm đóng nước họ trong Thế chiến II - một giai đoạn để lại nhiều vết thương sâu sắc trong tâm trí người Trung Quốc. Vào cuối cuộc chiến ấy, một nhóm đảo gọi là Senkaku (tiếng Nhật), Điếu Ngư (tiếng Trung Quốc) do Nhật kiểm soát từ năm 1895 nằm dưới sự quản lý của Mỹ. Vào năm 1972, một thỏa thuận đã chấm dứt sự quản lý ấy và trao trả quần đảo về cho Nhật. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với quần đảo này nhưng vẫn giữ nguyên trạng cho tới tháng 9/2012 khi chính phủ Nhật mua lại một số đảo từ chủ sở hữu tư nhân.

Dường như Tokyo thực hiện động thái này để ngăn chặn việc đảo bị bán cho ai khác tại Nhật, có thể để sử dụng chúng thúc đẩy quan điểm chính trị dân tộc chủ nghĩa. Nghĩa là, quyết định mua đảo của họ là một nỗ lực làm dịu tình hình.

Nhưng nó đã bị phản ứng mạnh mẽ. Trung Quốc coi đó là hành động khiêu khích. Ngày 23/11/2013, họ tuyên bố thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) bao gồm quần đảo tranh chấp.

Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi ADIZ bao gồm cả đảo mà Hàn Quốc tuyên bố chủ quyền. Nhật và đồng minh thân cận Mỹ lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Mỹ điều máy bay B52 đi qua ADIZ mà không cần tuân thủ quy định từ phía Trung Quốc.

Mất mặt hay giữ thể diện

Việc Trung Quốc thiếu phản ứng khi Mỹ điều B52 đã khiến các blogger trong nước bất bình. Hơn thế nữa, chính phủ Trung Quốc gần đây tuyên bố một chương trình nghị sự cải cách đầy tham vọng về quân sự... Bối cảnh hiện tại khiến họ mắc kẹt.

Tương tự như vậy, Nhật cũng không thể lùi bước. Chủ quyền quần đảo, với Nhật, còn là vấn đề thể diện quốc gia, vấn đề chủ nghĩa dân tộc. Dấu chấm hết sẽ đến với bất kỳ chính phủ nào nếu khuất phục trước áp lực Trung Quốc.

Giữa lúc căng thẳng, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tới thăm đền Yasukuni - nơi tôn vinh những người đã chết vì nước Nhật, trong đó có cả những người bị xét là tội phạm chiến tranh hạng A trong Thế chiến 2. Ông Abe sau đó đã bày tỏ mong muốn gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc để giải thích. Nhưng không gì có thể xoa dịu được sự bất bình của họ.

Tại Hoa Đông, không chỉ Trung Quốc với Nhật tranh chấp quần đảo, còn có một nhóm đảo nhỏ gọi là Dokdo (tiếng Hàn) và Takeshima (tiếng Nhật) do Hàn Quốc kiểm soát nhưng Nhật cũng tuyên bố chủ quyền. Một lần nữa lại là chuyện cảm xúc, khi học sinh Hàn Quốc thường chụp hình ở phía trước bức tranh khá lớn về nhóm đảo trưng bày tại bảo tàng quân sự Seoul.

Trong khi đó, các tòa án Hàn Quốc đã bắt đầu đưa ra câu hỏi về thỏa thuận năm 1965 với Nhật xung quanh yêu cầu bồi thường cho những người dân bị ép buộc làm nô lệ tình dục dưới thời bị Nhật chiếm đóng. Quan hệ Nhật - Hàn trở nên gay gắt tới mức hầu như không có bất kỳ liên hệ nào giữa Tổng thống Park của Hàn Quốc và Thủ tướng Abe của Nhật.

Nếu căng thẳng xảy ra ở châu Âu thì sẽ có các thể chế khu vực thúc đẩy đàm phán tìm ra giải pháp. Thậm chí ở châu Phi - lục địa không thường xuyên phát triển hòa bình, thì Liên minh châu Phi cũng đang phát huy hiệu quả vai trò trung gian tranh chấp. Nhưng điều này không tồn tại ở Đông Á. Các nước giải quyết tranh chấp một cách song phương mà không có khuôn khổ cơ chế khu vực nào tác động. Điều đó cho phép nước mạnh sẽ áp chế nước yếu hơn.

Cơ hội để bất kỳ tranh chấp nào tại Đông Á trở thành đối đầu quân sự có lẽ không lớn - nhưng cơ hội để bất kỳ tranh chấp nào được giải quyết hòa bình trong tương lai gần cũng không nhiều. Vì thế, để hòa bình tiếp tục tồn tại, mỗi tranh chấp phải được kiềm chế, và tất cả sự cố dẫn tới xung đột đều phải được ngăn chặn.

Thái An (theo Telegraph)