- "Hình ảnh và uy tín" là điều Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "nhắc" các doanh nghiệp Việt Nam trong đầu tư vào Campuchia.

Thủ tướng phát biểu khi có cơ hội ngồi trực tiếp với 450 doanh nghiệp hai nước ở hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Campuchia lần thứ 4 tại Phnom Penh hôm nay. Vấn đề nằm ở chính sách được Thủ tướng Việt Nam "quyết" rõ ràng với 5 hạng mục cụ thể sau gần 2h nghe đại diện giới đầu tư hai nước nói.

Tháo gỡ khó khăn cho DN Việt

Trong số 127 dự án FDI của Việt Nam ở thị trường Campuchia, không ít dự án còn nằm trên giấy mà ngòi tháo nằm ở cơ chế chính sách ở thị trường này cũng như cơ chế chính sách mở rộng trong hợp tác đầu tư của Chính phủ hai nước.

{keywords}
Ảnh: Chinhphu.vn

Có những dự án khó về đất đai, có dự án khó về phí visa lao động cho người Việt, chi phí sản xuất liên quan điện, về thuế suất, thủ tục... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Campuchia tạo thuận lợi hơn nữa cho các DN Việt Nam đầu tư, kinh doanh có hiệu quả tại Campuchia, sớm xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được cấp phép.

Ông cũng đề nghị các bộ, ngành hai nước sớm thông báo cho nhau về việc hoàn thiện các thủ tục nội bộ hai nước để hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa hai nước và nghị định thư sửa đổi sớm có hiệu lực chính thức. Từ đó, hai bên tiếp tục triển khai các công tác liên quan như thành lập UB hỗn hợp về đầu tư, quảng bá hướng dẫn doanh nghiệp hai nước tiếp cận, tìm hiểu, vận dụng nội dung hiệp định này cũng như các hiệp định đa phương khác mà Việt Nam và Campuchia tham gia để bảo vệ cho hoạt động của các nhà đầu tư.

Thủ tướng Việt Nam cũng thúc giục hai bên ký kết hiệp định Tránh đánh thuế hai lần; nâng cấp và mở rộng thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực trồng cây cao su giữa hai nước lên tầm hiệp định của hai Chính phủ.

Bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư để các DN trao đổi thông tin, tìm kiếm dự án, hợp đồng mới, trước hết hướng vào các lĩnh vực mà hai nước có nhu cầu hợp tác, Campuchia có tiềm năng và Việt Nam có thế mạnh như viễn thông, hàng không, khai thác và chế biến khoáng sản, năng lượng, phát triển hạ tầng, du lịch và thương mại, tài chính, ngân hàng, sản xuất và chế biến nông sản, lâm nghiệp, nhất là trồng và chế biến cao su...

Hình ảnh uy tín

"Hình ảnh và uy tín" là điều sau cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "nhắc" các DN Việt Nam trong đầu tư kinh doanh ở nước ngoài, trong đó có Campuchia. Bên cạnh chấp hành nghiêm túc pháp luật của nước sở tại, Thủ tướng nói ngoài mục tiêu hiệu quả kinh tế, các DN cần quan tâm giúp đỡ các đối tác và địa phương Campuchia cùng phát triển. "Mỗi dự án đầu tư thành công sẽ là đóng góp thiết thực cho mối quan hệ hữu nghị bền chặt lâu dài giữa hai dân tộc" - ông nói.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho hay ông tin đầu tư "thực", không nằm trên giấy của Việt Nam ở nước này cao hơn con số thống kê ghi. Theo ông, đầu tư thực của Việt Nam phải đứng thứ ba, chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc. "Việt Nam chỉ đóng góp thêm tí nữa là đứng thứ hai" - Thủ tướng nói như lời mời chào DN Việt Nam.

Khẳng định tiềm năng giữa hai nước còn rất lớn, Thủ tướng Hun Sen gợi ý một trong những lĩnh vực Việt Nam có thể giúp bổ sung đó là chế biến.

"Campuchia có sắn, mỳ hàng triệu tấn nhưng chỉ có cắt khúc và xuất thô nguyên. Nông nghiệp của chúng tôi cũng thiếu đầu tư về chế biến thành phẩm. Tôi kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam quan tâm việc này" - ông nói.

Thủ tướng Hun Sen cũng khẳng định "Campuchia luôn hoan nghênh cổ vũ mọi dự án đầu tư vào Campuchia. Chính phủ sẽ quyết tâm củng cố hợp tác kinh tế mở rộng, tạo không khí đầu tư tốt đẹp hơn, duy trì niềm tin cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp".

Ngay tại hội nghị, Thủ tướng hai nước đã chứng kiến trao giấy phép đầu tư ra nước ngoài cho công ty cổ phần sữa Vinamilk. BIDV của Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận với Bộ Giáo dục, thanh niên và thể thao Campuchia trao 50 suất học bổng cho sinh viên Campuchia học tập tại Việt Nam, tặng 100 máy tính cho ngân hàng Quốc gia Campuchia.

"Cán" làm ăn là luật pháp

Làn sóng đầu tư của Việt Nam vào Campuchia bắt đầu mạnh dần lên từ 2009 đến nay nhưng đang đước trước những đòi hỏi củng cố để đảm bảo ổn định. Trong cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng và một số DN hàng đầu của Việt Nam đầu tư tại Campuchia chiều 13/1, đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Campuchia kiến nghị triển khai theo 3 nhóm: thương mại, đầu tư, du lịch.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội cho rằng có 3 vấn đề lớn: cần nắm giữ thị trường xăng dầu Campuchia (hiện nhập từ Việt Nam khá lớn), tạo thị trường thu mua phân phối nông sản, lương thực, phân bón và nghiên cứu khai thác xuất khẩu sang thị trường Campuchia như tạo các hệ thống siêu thị, chợ... bởi ưu thế tin tưởng vào đầu tư Việt Nam của người dân nước này. Ông cũng đề xuất lập một quỹ đầu tư ra nước ngoài nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về tiếp cận tài chính, tín dụng.

Trao đổi với các DN, Thủ tướng khẳng định những ủng hộ của Chính phủ đối với các nhà đầu tư trong hoạt động kinh doanh bên ngoài thông qua các cơ chế, chính sách, xác định Campuchia là thị trường tiềm năng đối với Việt Nam do gần gũi địa lý, tương đồng, lịch sử gắn kết, nền tảng tin cậy chính trị tốt đẹp.

Ông cho hay, trong cuộc gặp Thủ tướng Hun Sen chiều nay, ông sẽ đề cập khả năng hai bên đàm phán ký kết hiệp định kết nối hai nền kinh tế trong những lĩnh vực trọng tâm như hàng không, tài chính - ngân hàng, viễn thông, cao su, gạo, du lịch, vận tải đường biển... Trong đó về tài chính có thể nghiên cứu khả năng áp dụng chuyển đổi đồng tiện nội tệ giữa hai nước thông qua một đồng ngoại tệ (phục vụ cho thương mại song phương) như VN đang đàm phán tương tự với Trung Quốc.

Về tổng thể thị trường đầu tư Campuchia, Thủ tướng nhắc DN lưu ý đặc biệt chữ tín và "hứa phải đi đôi với làm".

Xuân Linh (từ Phnom Penh)