- Dường như chúng ta mới nghe những gì phù hợp với ý muốn chủ quan của ta, bỏ ngoài tai những gì ta không thích. Nhiều vấn đề bức xúc của dân được thể hiện khá mờ nhạt - ý kiến của ông Phạm Khiêm Ích, ủy viên UB MTTQ Việt Nam.


Nghe những gì muốn nghe

Sáng 14/1, hội nghị UB TƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục làm việc với phần thảo luận. ĐB Phạm Khiêm Ích nêu ý kiến về thông tin hai chiều giữa MTTQ với nhân dân.

Theo ông Ích, báo cáo của UB TƯ MTTQ chỉ ra rằng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải tăng cường thông tin hai chiều, nói cho nhân dân nghe và nghe nhân dân nói. Theo ông, đây là điều đương nhiên, là lý do tồn tại của Mặt trận và không chỉ của Mặt trận.

"Nhưng qua 25 năm tham gia UB TƯ MTTQ, tôi thấy đây là công việc không dễ làm. Mặt trận đã nói cho dân nghe những gì và nghe nhân dân nói gì? Có nhiều bức xúc mà hình như Mặt trận không nghe thấy hoặc không thể hiện là đã nghe thấy, thông qua các văn bản hay báo cáo của mình" - ông Ích nhận định.

{keywords}
Ông Phạm Khiêm Ích: Cần hình thành hệ thống thu thập ý kiến nhân dân về những bức xúc cần giải quyết và kiến nghị giải pháp tháo gỡ


Ông nêu ví dụ: Năm 2013 có rất nhiều vụ khiếu kiện đông người về đất đai diễn ra ngay ở trụ sở của UB TƯ MTTQ, 45 Tràng Thi, điều này ai cũng biết, ban thường trực biết rất nhiều nhưng không thấy đề cập trong báo cáo.

Bên cạnh đó, nền kinh tế của ta xuất khẩu hàng hóa tốt sang những nước phát triển nhưng lại nhập khẩu những hàng hóa ở trình độ sản xuất và chất lượng nguyên liệu thấp, tác động xấu tới nền kinh tế lâu dài, khiến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế sẽ ngày càng thấp.

“Những điều đó không phải Mặt trận không biết, nhưng chúng ta đã làm gì? Hình như chúng ta chỉ nghe những gì phù hợp với ý muốn chủ quan của ta, gạt bỏ ngoài tai những gì ta không thích nghe. Nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân thể hiện khá mờ nhạt trong báo cáo của Mặt trận” - ông Ích cho hay.

Trong báo cáo năm nay có nói về kết quả công tác năm 2013, nêu những kết quả to lớn và những uy tín mà Mặt trận đã đạt được.

“Nhưng tôi băn khoăn một điều, chúng ta hình như chưa nói thật với nhân dân về nhiều vấn đề bức xúc như khiếu kiện, yếu kém...” - ông chỉ ra.

Ông lấy ví dụ để chứng minh: Khi ứng cử vào Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc, Việt Nam đưa ra 14 cam kết, trong đó điều 3 nêu rõ: “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, củng cố các tổ chức quốc gia bảo vệ nhân quyền, trong đó có thể thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia”.

“Nhưng thực tế chúng ta đã nói gì về nhân quyền với nhân dân? Trong các văn kiện, chúng ta đặt vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Vậy nhà nước pháp quyền với nhà nước pháp quyền XHCN khác nhau thế nào?” - ông Ích đặt câu hỏi.

Theo ông, nhà nước pháp quyền là thành quả văn minh của nhân loại, có những nguyên tắc của nó như thượng tôn pháp luật, coi trọng dân chủ và nhân quyền. Đây cũng chính là điều được đề cập đến trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng, nêu rõ dân chủ và đổi mới thể chế là cặp song sinh của thể chế chính trị hiện đại.

{keywords}


Vì thế, ông Ích tán thành ý kiến của Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân là muốn tìm được câu trả lời cho câu hỏi “nói gì cho dân nghe” thì phải đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ trong năm 2014 bằng cách hình thành hệ thống thu thập ý kiến nhân dân về những bức xúc cần giải quyết và kiến nghị những giải pháp tháo gỡ lâu dài nhằm phát triển đất nước.

“Phải làm việc đó rất nghiêm túc, đấy mới là nghe dân nói” - ông Ích khẳng định.

“"Các vị chả tiếp xúc với tôi”"

Ông Đỗ Phượng, một ủy viên lão thành khác của UB TƯ MTTQ Việt Nam đặt vấn đề làm sao để quá trình tiếp xúc, giám sát của Mặt trận đạt hiệu quả.
 
Ông nêu: Đi đến các tỉnh, thấy các đoàn xe chào đón hú còi là biết lãnh đạo đến đó. Tiếp xúc là người ta đã chuẩn bị sẵn cử tri cho mà tiếp xúc rồi, đó là các cử tri chuyên nghiệp rồi, có gặp mấy lần thì vẫn những gương mặt ấy. Vậy thì tiếp xúc với ai? Ngày xưa Bác Hồ đi đâu người ta biết đâu, đến nơi rồi bí thư chủ tịch mới chạy tới tấp tới ra đón.

“Xa dân là nguy hiểm nhất, nhưng nay tác phong cung cách từ ăn mặc tới lời nói đều xa dân. Chớ có hành chính hóa công tác Mặt trận. Nên lấy tiếp xúc cá nhân, gặp gỡ cá nhân làm phương thức hoạt động. Các vị ở đây chả bao giờ tiếp xúc với tôi cả” - ông Phượng nói, kèm theo lời xin lỗi trước nếu ai nghĩ mình “lẩm cẩm”.
.
Còn Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam thì cho rằng cần “thương lấy thế hệ trẻ” bằng cách vun đắp cho họ đạo đức, lý tưởng cách mạng để họ có đủ năng lực phẩm chất tiếp bước cha anh, xây dựng và giữ gìn đất nước.

Cẩm Quyên - Ảnh: Minh Thăng