- Là một trong nhiều câu chuyện nói mãi mà làm không được bao nhiêu nên dự thảo nghị định mới về tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ không tránh khỏi sự nghi ngại của công chúng.

>> 'Chỉ tăng một bộ, tinh giản biên chế thành vô nghĩa'
>> Chuẩn bị tinh giản 100.000 công chức
>> Tinh giản biên chế: Nhà nước bớt 'ôm đồm'
>> Nguyên Bộ trưởng lo lắng chuyện tinh giản biên chế

Tuyển vào ồ ạt, giờ tìm cách cho ra

Chia sẻ quyết tâm của Chính phủ trong việc giải quyết tình trạng cồng kềnh của bộ máy, song độc giả VietNamNet thẳng thắn chỉ ra đây là hậu quả của việc kiểm soát thiếu hiệu quả đầu vào.

"Tuyển vào ồ ạt, giờ lại tìm cách cho ra", độc giả Huynh cảm thán. Độc giả này kiến nghị đầu tiên là giải quyết những đối tượng tuyển dụng sai.

Nhiều độc giả khác đưa ví dụ việc chỉ cần một hai người làm, nhưng cứ viện cớ thiếu để nhận thêm gấp đôi gấp ba, từ đó đẻ ra các khâu trung gian, cấp phó, không rõ chức năng, nhiệm vụ, chẳng rõ trách nhiệm, đầu mối... "Giảm được các khâu trung gian này mới gọi là tinh giản", độc giả Thanh Đắc Bình viết.

Để làm được vậy, độc giả Hương Đỗ kiến nghị rà soát tất cả cán bộ từ thời điểm được tuyển vào xem đã đóng góp được gì, có sáng kiến, kinh nghiệm nào hữu ích, để tinh giản đúng chỗ, đúng người.

{keywords}
Thí sinh dự kỳ thi tuyển công chức của Bộ Nội vụ tháng 1/2013. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chính vì thế độc giả Nguyen Tuan nhận định: Không nhận thêm người mới nữa là được, ai đến tuổi hưu thì nghỉ, không tốn kém kinh phí và cũng không gây mất đoàn kết nội bộ, tiết kiệm thời gian họp hành, tuyển dụng..., đến 2020 có khi giảm được nhiều hơn con số 100.000.

Độc giả Ly Quoc Viet cũng thấy số tiền 8.000 tỷ đồng không hề nhỏ khi được dùng vào việc cho ra vì trước đó đã nhận vào quá tràn lan. Trong khi đó, giảm được số lượng người ăn lương ngân sách thì lương của những người còn lại cũng sẽ được cải thiện.

Bên cạnh đó là thận trọng với việc lập thêm cơ quan mới, chia tách đơn vị hành chính, cùng lúc đẩy mạnh tự hạch toán, xã hội hóa, thì nguy cơ tăng biên chế cũng sẽ được kiểm soát, độc giả góp ý.

Cho nên việc tinh giản biên chế khả thi hay không phụ thuộc nhiều vào cái tâm, cái tầm của những người đứng đầu, lãnh đạo: Nếu thực sự muốn thì sẽ tìm hiểu, tham khảo các nước phát triển, rút kinh nghiệm trong quá khứ, không vụ lợi để kiên quyết thực thi, không để các nhóm lợi ích và cái tôi vị kỷ chi phối, theo độc giả Thien Doan.

"Có vậy mới tinh giản được đúng nghĩa là lược giảm những người không làm được việc, thiếu ý thức và vô tổ chức; giữ lại và nâng niu những người làm được việc, nghiêm túc và tử tế", độc giả này viết.

Lo phát sinh chạy chọt

Nhắc đến chuyện tâm - tầm, không ít độc giả lo sức ép tinh giản biên chế có thể dẫn đến những biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện.

"Do hiện tượng bè phái, nhóm lợi ích, nhóm gia đình trong cơ quan hành chính mà không ít cán bộ có trình độ bị bố trí ít việc, việc vớ vẩn hoặc sai chuyên môn... Liệu họ có vì thế mà trở thành đối tượng cho về hưu non?", độc giả TNT băn khoăn.

Độc giả Nguyen Anh lại nghĩ: Nhiều cán bộ, có cả cán bộ lãnh đạo, làm việc không hiệu quả, nhưng đến cuối năm vì nhân viên, tập thể sợ bị trù dập nên họ vẫn là lao động xuất sắc, chiến sĩ thi đua - những người như thế có bao giờ bị tinh giản được.

Nhìn vào thực tế bộ máy, độc giả Laptt lo cho những cán bộ "không có quan hệ tốt", còn độc giả Hoàng Văn lo những người có trình độ, tài giỏi, thẳng thắn, không luồn lách, "không cúi không quỳ" sẽ bị sa thải.

Độc giả Cố Nhân bi quan hơn khi dự liệu một trận "chạy", trong đó những người có quyền quyết định sẽ "giàu lên".

Nếu để tình trạng đó xảy ra, sau tinh giản biên chế số lượng còn lại vẫn không đáp ứng về năng lực, không hoàn thành được nhiệm vụ để rồi lại phải tuyển mới vào nhiều hơn, độc giả Thien Doan cảnh báo về cái vòng luẩn quẩn của bộ máy hành chính.

Chung Hoàng

MỜI BẠN ĐỌC THÊM TRANG TÔI MUỐN SỐNG BẰNG LƯƠNG