Bế tắc ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản, liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Hoa Đông, đang bị cuốn theo hướng xung đột quân sự. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos hồi tháng 1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ ra điểm tương đồng rõ rệt giữa tình trạng kình địch Trung - Nhật hiện tại với những gì từng xảy ra với Anh - Đức trước Thế chiến I.

Hiểu rõ Trung Quốc và Nhật Bản thực sự muốn gì từ tranh chấp Hoa Đông là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ nỗ lực ý nghĩa nào nhằm duy trì hòa bình trong khu vực. Mỹ được cho là cần giúp Trung Quốc giữ thể diện, để khôi phục lại nguyên trạng ở Hoa Đông và đặt dấu chấm hết cho chương trình nghị sự nhằm sửa đổi Hiến pháp của ông Abe trước khi quá muộn.

{keywords}

Tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông là điểm nóng trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ảnh: AP

Trung Quốc muốn giữ thể diện

Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền trong giai đoạn căng thẳng Trung - Nhật ở biển Hoa Đông bùng lên vào cuối năm 2012. Các cuộc biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp, đã trở thành thách thức chính trị đầu tiên mà ông Tập phải đối mặt.

Tháng 11/2013, Trung Quốc đơn phương tuyên bố thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ), bao gồm cả các đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hành động này tiếp tục "đổ thêm dầu vào lửa" cho căng thẳng giữa hai quốc gia, kết thúc bằng chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Abe tới ngôi đền tử sĩ, bị phía Trung Quốc cực lực phản đối.

Một số người có thể nói rằng, ông Tập đang sử dụng tranh chấp đảo để củng cố quyền lực. Điều đó có thể đúng vào cuối năm 2012, vì ông Tập không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tỏ ra cứng rắn khi quyền lực chính trị của mình bị đe dọa trong quá trình chuyển giao. Tuy nhiên, lập luận này không còn đúng, vì ông Tập đã củng cố thành công vị trí của mình.

Chủ tịch Tập Cận Bình hiện có thể đang nghĩ cách giảm bớt căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, để ông có thể tập trung đối phó với những xung đột sắc tộc ở Tân Cương cũng như làm đậm thêm các cải cách kinh tế trong nước.

Điều ông Tập mong muốn ở Hoa Đông là dạng nhượng bộ nào đó từ phía Nhật Bản, ngay cả khi về bản chất đó chỉ là một cách nói hoa mỹ. Theo truyền thống "có đi, có lại" của Trung Quốc, Nhật Bản đã đi trước một bước thông qua việc quốc hữu hóa 3 hòn đảo tranh chấp. Vì vậy, Trung Quốc cần lấy lại ít nhất "vài phân" bằng cách buộc Nhật Bản công nhận sự tồn tại của tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các cuộc tuần tra thường xuyên cũng như việc công bố ADIZ của Trung Quốc đều nhằm đạt được mục tiêu hạn chế này.

Nhật muốn tạo "các thay đổi"

Ông Abe đắc cử chức thủ tướng Nhật sau "cuộc khủng hoảng quốc hữu hóa" đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 12/2012. Ông do đó không phải người ban đầu chịu trách nhiệm về các quan hệ căng thẳng với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Abe đã không làm gì để tiết giảm chúng. Việc ông viếng thăm ngôi đền tử sĩ Yasukuni tháng 12 năm ngoái tiếp tục đẩy mối quan hệ vốn đã dễ đổ vỡ với Trung Quốc tới mức thấp nhất.

Thủ tướng Abe muốn gì từ tranh chấp? Phán đoán logic đầu tiên là, ông muốn duy trì quyền lực. Ủng hộ quan điểm cánh hữu bằng cách khiêu khích Trung Quốc có thể tăng sự tín nhiệm đối với ông Abe, ít nhất là trong nước. Tuy nhiên, ông Abe nên hiểu rằng, sự ủng hộ ông trong nước phụ thuộc vào nền kinh tế của Nhật Bản nhiều hơn là chiến thuật "đánh mạnh Trung Quốc" của ông. Làm tổn hại các quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, có thể không phải là một lựa chọn khôn ngoan đối với bất kỳ chính trị gia Nhật Bản nào đang tìm kiếm cơ hội tái đắc cử.

Mục tiêu cuối cùng của ông Abe trong tranh chấp với Trung Quốc rõ ràng là thay đổi Hiến pháp, vốn từ bỏ quyền viện nhờ đến chiến tranh của Nhật Bản. Là một nhà lãnh đạo theo đường lối vô cùng bảo thủ, ông Abe có một giấc mơ chính trị là khôi phục trạng thái bình thường của Nhật bằng cách thay đổi Hiến pháp mà Mỹ áp đặt sau Thế chiến II. Hồi đầu tháng 1, đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe đã từ bỏ cam kết "không bao giờ phát động một cuộc chiến tranh" tại hội nghị thường niên của đảng ở Tokyo. 

Bản thân ông Abe cũng tuyên bố rằng, hiện đã đến lúc để sửa đổi Hiến pháp hòa bình. Bước tiếp theo có thể dự đoán được đối với Thủ tướng Abe là chọn thời điểm thích hợp để loại bỏ điều 9 của Hiến pháp, để Nhật Bản có thể tự do thực hiện sức mạnh quân sự. Đối với ông Abe, một Nhật Bản "bình thường" có thể còn giá trị hơn một Nhật Bản "giàu có", mặc dù tình trạng bình thường của Nhật Bản chắc chắn sẽ gợi nhắc người dân ở hầu hết các thủ đô châu Á về chủ nghĩa quân phiệt trong quá khứ.

Tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư cung cấp cái cớ tốt nhất cho ông Abe thực thi kế hoạch thay đổi này. Ông Abe có thể sử dụng các động thái khiêu khích của Trung Quốc để chứng minh nhu cầu phải sửa đổi Hiến pháp. Một mặt, ông Abe có thể trưng ra thẻ bài chủ quyền để dập tắt sự chống đối trong nước. Mặt khác, ông đã sử dụng hiệp ước an ninh để lôi kéo Mỹ vào tranh chấp. Vì vậy, không có động cơ nào để ông Abe phải dịu giọng trong tranh chấp đảo.

Nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang gia tăng. Trung Quốc cần một cách để giữ thể diện trong vụ tranh chấp, nhưng Nhật Bản ít khả năng sẵn sàng tạo điều kiện cho việc đó. Các ký ức lịch sử, chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy và cạnh tranh chiến lược dường như đã đẩy hai nước đến bờ vực xung đột. Ngay cả khi những cái đầu "dịu mát hơn" ở Bắc Kinh rốt cuộc công nhận chương trình nghị sự cuối cùng của ông Abe, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về cách tự mình xoa dịu tranh chấp đảo ở Hoa Đông.

Mỹ đã phái các quan chức cấp cao trong một nỗ lực nhằm dập tắt các "đám cháy" ở cả Bắc Kinh và Tokyo trong tháng 1.

Tuấn Anh (theo The Diplomat)