- Cổng TTĐT Hà Nội hôm nay (12/2) cho biết Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã ký ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của thành phố, bắt đầu có hiệu lực ngày 16/2 tới.

Theo quy chế này, người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước thành phố chính là những người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Cùng với đó là những người được giao nhiệm vụ này, như các chánh văn phòng, người phát ngôn chính thức.

"Người phát ngôn phải được công bố họ và tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ thư điện tử (email) công vụ (bằng văn bản) cho các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, và được đăng tải trên các trang TTĐT của cơ quan", Quy chế nêu.

Nếu cần thiết, đối với từng vụ việc, vấn đề cụ thể, người đứng đầu có thể ủy quyền cho người có trách nhiệm làm nhiệm vụ này trong thời hạn nhất định, người này cũng phải công khai các thông tin liên hệ như trên. Nhưng Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thì phải trực tiếp làm nhiệm vụ này, không được ủy quyền cho ai nữa.

{keywords}
Chủ tịch Hà Nội từng yêu cầu cung cấp thông tin cho báo chí trong vòng 24h nếu là trường hợp đột xuất. Ảnh: Lê Anh Dũng

Những người làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước thành phố cũng có thể cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng không được nhân danh cơ quan để phát ngôn, không được tiết lộ bí mật, không được thông tin sai và phải tự chịu trách nhiệm về việc này.

Quy chế này của Hà Nội yêu cầu những người làm nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí phải có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, thái độ trung thực khách quan; am hiểu công việc của cơ quan mình hiểu biết về báo chí; đặc biệt phải có năng lực phân tích, tổng hợp, xử lý thông tin và giao tiếp được với báo chí.

Quy chế cho biết UBND thành phố sẽ tổ chức họp báo mỗi quý, còn các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã là mỗi nửa năm.

Trong các trường hợp đột xuất, bất thường, thông tin ban đầu phải được những người phát ngôn chủ động cung cấp ngay trong vòng 24h kể từ sau khi sự việc xảy ra. Với những trường hợp phức tạp, ảnh hưởng lớn và tác động xấu đến xã hội, đích thân người phát ngôn của UBND thành phố sẽ lên tiếng. Việc này đã được nhấn mạnh trong một công văn riêng được ông Nguyễn Thế Thảo ký ban hành đầu tháng 8 năm ngoái.

Khi thấy báo chí đăng tải thông tin sai sự thật về lĩnh vực, địa bàn mình, người phát ngôn của các cơ quan hữu quan có quyền yêu cầu (bằng văn bản) báo chí đăng tải ý kiến phản hồi hoặc cải chính. Do đó, những người làm nhiệm vụ này được yêu cầu chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin trên báo chí.

Họ cũng được quyền từ chối việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí nếu đó là những vấn đề bí mật, "bảo mật", những vụ án đang điều tra, chưa xét xử, các vụ việc đang thanh tra, những khiếu tố đang giải quyết, những tranh chấp, mâu thuẫn chưa có kết luận chính thức, những văn bản đang soạn thảo...

Quy chế đồng thời yêu cầu các cơ quan báo chí đăng, phát, phản ánh trung thực những thông tin do người có trách nhiệm phát ngôn cung cấp, khi đó sẽ không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đó.

Chung Hoàng