Các nước thành viên ASEAN đang tìm cách tăng cường hạm đội tàu ngầm, nhưng đây không phải là một cuộc chạy đua vũ trang.

Kế hoạch vũ trang tàu ngầm

Đầu tháng 1 năm nay, Việt Nam chính thức gia nhập "câu lạc bộ tàu ngầm" Đông Nam Á với tàu ngầm đầu tiên thuộc lớp Kilo do Nga sản xuất, được đặt tên là Hà Nội. Cách đây không lâu, Indonesia từng bày tỏ quan tâm tới việc mua mẫu tàu ngầm tương tự từ Nga và nhiều tàu ngầm hơn từ Hàn Quốc, dường như để tăng cường cho hạm đội mới gồm 3 chiếc tàu ngầm SS-209 đặt mua của Hàn Quốc từ tháng 8/2012.

Tháng 11/2013, Singapore đã ký hợp đồng với hãng đóng tàu Đức ThyssenKrupp phát triển tàu ngầm Type-218SG, chiếc đầu tiên trong 2 tàu ngầm ​​sẽ đưa vào biên chế hoạt động vào năm 2020.

{keywords}

Tàu ngầm Kilo đầu tiên của Việt Nam, mang tên Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Các nước Đông Nam Á khác cũng tỏ ra quan tâm tới việc đạt được khả năng tham chiến dưới mặt nước biển như trên, nhưng bị cản trở thực hiện ý định đó chủ yếu do hạn chế về ngân sách.

Trong trường hợp của Thái Lan, mặc dù không mua mới tàu ngầm sau khi lời đề nghị của Đức về các tàu ngầm cũ Type-206A hết hiệu lực tháng 3/2012, Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã xây dựng các cơ sở huấn luyện và hỗ trợ neo đậu tàu ngầm dự phòng cho những vụ mua sắm trong tương lai.

Hải quân Philippines đã để mắt đến các tàu ngầm, nhưng hiện tại quyết định ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí hạn chế cho việc tăng cường các lực lượng hải quân hoạt động trên mặt nước và trên không, với các khả năng tác chiến chống tàu ngầm là trọng tâm tập trung tiếp theo nhằm thay thế cho những tính năng của một tàu ngầm.

Những hoài nghi

Hàng loạt thương vụ mua sắm tàu ngầm đang được thực hiện hoặc đã lên kế hoạch gần đây cho thấy những nỗ lực hiện đại hóa hải quân ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, một số nhà quan sát lại nhận định, đây là dấu hiệu hồi sinh của một "cuộc chạy đua tàu ngầm" trong khu vực, sau đợt mua sắm vào những năm 1990 đến đầu những năm 2000.

Một cuộc khảo sát hời hợt đối với những phát biểu công khai của các nhà hoạch định quốc phòng và hải quân trong khu vực được coi là bằng chứng về điều này. Chẳng hạn như, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia từng phát biểu rằng, việc mua tàu ngầm cùng những thiết bị quốc phòng khác nhằm cho thấy quyết tâm của Jakarta đối với việc hiện đại hóa nền quốc phòng Indonesia, để "chúng ta có thể theo kịp với các nước thành viên ASEAN".

Bangkok cũng đề cập đến chương trình tàu ngầm của lực lượng hải quân các nước láng giềng Đông Nam Á khi nhấn mạnh sự cần thiết phải có các tàu ngầm như một phần sức mạnh của hải quân Thái Lan.

Tuy nhiên, các dấu hiệu về địa chính trị và kỹ thuật đã phủ nhận cả sự tồn tại của một "cuộc chạy đua tàu ngầm" trong hiện tại lẫn khả năng xuất hiện tình trạng như vậy trong tương lai gần. Bất kỳ tác động tiêu cực nào của việc vũ trang tàu ngầm ở Đông Nam Á ít nhất cũng có đối trọng là xu hướng gia tăng hợp tác khu vực.

Tăng cường sức mạnh, nhưng không chạy đua tàu ngầm

Mặc dù các nhà khai thác tàu ngầm trong khu vực đang có những nỗ lực rõ ràng nhằm tạo ra một lực lượng hiệu quả và bền vững hơn để bảo vệ vùng biển quốc gia, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy họ đang mở rộng nhanh chóng lực lượng tàu ngầm. 

Lực lượng tàu ngầm Việt Nam sẽ đạt con số 6 chiếc vào năm 2016, trong khi Indonesia sẽ có trong tay 3 tàu ngầm mới vào cùng khoảng thời gian này, khi cặp tàu ngầm Type- 209s hiện có, do Tây Đức chế tạo nhiều khả năng sẽ được cho “nghỉ hưu”. Với việc loại bỏ dần dần các tàu ngầm lớp Challenger đang lão hóa, Singapore rất có thể chỉ đưa 2 tàu ngầm lớp Archer vào hoạt động  trước khi chiếc tàu ngầm Type- 218SG đầu tiên được biên chế.

Tóm lại, số lượng tàu ngầm trong biên chế trên toàn khu vực Đông Nam Á sẽ vẫn ít nhiều ổn định trong thập niên tới, với các tàu ngầm mới thay thế cho những chiếc cũ ở các nước hiện đang sử dụng loại phương tiện quân sự này. Bất kỳ sự mở rộng nào cũng sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian rất dài, chủ yếu phụ thuộc vào tình hình kinh tế của các quốc gia trong khu vực.

Hiện cũng không có dấu hiệu nào về một cuộc chạy đua chất lượng tàu ngầm. Khi Singapore trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên có hải quân sử dụng tàu ngầm được trang bị công nghệ đẩy không phụ thuộc không khí (AIP), vốn được thiết kế nhằm kéo dài thời gian lặn dưới nước không phải dùng ống thở của tàu ngầm thông thường, các thương vụ mua sắm tàu ngầm tiếp sau đó của những quốc gia ASEAN khác đã không bao gồm tính năng này để đối phó lại.

Lĩnh vực duy nhất có xuất hiện của dấu hiệu “không chịu thua chị, kém em” là các tên lửa chống hạm phóng từ tàu ngầm. Các tàu ngầm lớp Scorpene của Hải quân Hoàng gia Malaysia được coi là những chiếc đầu tiên trong khu vực sở hữu các tên lửa này với loại SM-39 Exocet, tiếp theo là Việt Nam với tên lửa Klub-S. Ý định mua tàu Kilo từ Nga của Indonesia cũng liên quan đến một tính năng tương tự. 

Dẫu vậy, các tàu ngầm thông thường mới trên thị trường toàn cầu thường được cung cấp kèm các tên lửa chống hạm như một phần tùy chọn của toàn bộ gói sản phẩm. Đây là một xu hướng quốc tế trong việc phổ biến công nghệ tàu ngầm đương đại, không riêng có ở khu vực Đông Nam Á. Lực lượng hải quân ở khu vực Đông Bắc và các tiểu vùng Nam Á thực tế đã sở hữu khả năng như vậy từ rất lâu.

Đáng chú ý là, trong khi các lực lượng hải quân lớn khác trong khu vực châu Á đã thâu tóm hoặc đang xem xét lựa chọn trang bị tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm (SLCM) - thứ vũ khí tiềm tàng khả năng gây bất ổn, đặc biệt là khi được phóng đi từ một bệ phóng tàng hình như tàu ngầm và có thể tấn công vào sâu lãnh thổ của quốc gia khác, không có lực lượng hải quân nào ở Đông Nam Á hiện nghiêm túc cân nhắc tính năng này.

Trong hiện tại và tương lai gần, công nghệ AIP và các tên lửa chống hạm phóng từ tàu ngầm vẫn là những tính năng then chốt của lực lượng tàu ngầm ở Đông Nam Á.

Có lẽ, quan trọng hơn là, môi trường địa chính trị ở Đông Nam Á chưa bao giờ an lành như hơn một thập niên qua. Khu vực từng đối mặt với các tranh chấp về chủ quyền và lãnh thổ trên biển, nhưng kể từ đầu những năm 2000, các quốc gia Đông Nam đã giải quyết hầu hết những tranh chấp hàng hải cấp bách nhất một cách hữu nghị, thông qua luật pháp quốc tế. Các vấn đề biên giới biển cũng được giải quyết song phương, chẳng hạn như thỏa thuận đạt được năm 2011 giữa Indonesia và Việt Nam để cùng nhau xác định các hành lang đánh cá chung trong những vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn của 2 nước.

Các nhóm công tác kỹ thuật song phương tiếp tục thảo luận về những vấn đề biên giới biển nổi cộm, như đã thấy trong trường hợp của Indonesia và Singapore ở eo biển Singapore. Nhiều Ủy ban Biên giới chung được thành lập từ những năm đầu của ASEAN tiếp tục hoạt động nhằm giải quyết những vấn đề biên giới song phương phổ biến, bao gồm cả các vùng tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề pháp lý về EEZ.

Việc trang bị tàu ngầm và các công nghệ liên quan là xu thế tất yếu của các quốc gia thành viên ASEAN trong nỗ lực nhằm hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh lực lượng hải quân. Tuy nhiên, dựa trên môi trường địa chính trị, các dấu hiệu kỹ thuật và xu thế hợp tác trong khu vực, nhận định ASEAN đang chạy đua vũ trang tàu ngầm dường như là một quan điểm sai lầm.

Tuấn Anh (theo The Diplomat)