- Cho rằng những bất cập trong đãi ngộ thầy thuốc sẽ làm “chảy máu” chất xám, Bộ trưởng Y tế đề xuất một số nội dung cải cách.

Sau khi đọc loạt bài đăng tải nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao đổi với VietNamNet:

Hiện nay chỉ có một bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp, do đó tất cả viên chức có trình độ như nhau đều xếp cùng vào một ngạch lương. Còn đặc thù của các ngành nghề, các chuyên khoa được thực hiện bằng các chế độ phụ cấp.

Nhưng phụ cấp đối với cán bộ y tế còn thấp và chưa bảo đảm cân đối giữa các ngành nghề. Chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm mức cao nhất đối với những người trực tiếp điều trị, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS, lao, phong… chỉ được 0,4 lần mức lương tối thiểu (khoảng 420.000 đồng/tháng), khi nghỉ hưu thì không được hưởng.

Chính sách tiền lương chưa tính đến đặc thù nghề nghiệp và thời gian đào tạo của một số ngành. Vì thế bác sĩ đào tạo 6 năm ra trường công tác cũng hưởng lương khởi điểm bằng các ngành đào tạo 4 năm. Đặc biệt, công tác chăm sóc sức khỏe con người rất cần những cán bộ có kinh nghiệm thì lại không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề như của một số ngành.

{keywords}
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Minh Thăng

Theo đánh giá của bà, những bất cập trong đãi ngộ cán bộ y tế khiến điều gì nảy sinh?

Đảng và Nhà nước cũng đã quan tâm ban hành nhiều chính sách đãi ngộ cán bộ, công chức viên chức và người lao động làm việc trong những lĩnh vực đặc thù. Công chức, viên chức ngành y tế  được hưởng các chế độ phụ cấp như phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp đối với cán bộ công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, chế độ đặc thù cho nhân viên y tế thôn bản…

Tôi cho rằng những bất cập trong đãi ngộ sẽ làm nảy sinh tình trạng “chảy máu” chất xám, không động viên khuyến khích mọi người tích cực làm việc, nghiên cứu, học tập và nảy sinh một số tiêu cực.

Tránh “lợi ích nhóm”

Giám đốc BV Việt Đức chia sẻ với VietNamNet rằng “lương cán bộ y tế chỉ 2 triệu đồng/tháng thì chắc chắn là sẽ có chuyện”. Trong thời gian tới, Bộ trưởng có những giải pháp gì để thay đổi thực tế này?

Để bảo đảm đời sống của cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế, về tổng quan chung là không thể tách rời các giải pháp chung của nhà nước, để tránh các lợi ích nhóm.

Đối với ngành y tế, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đề nghị với Nhà nước giải quyết các các chế độ chính sách cho công chức viên chức nhằm bảo đảm cân đối chung với các ngành khác và bảo đảm bù đắp hao phí sức lao động của công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục đề nghị giải quyết chế độ phụ cấp thâm niên nghề cho công chức, viên chức ngành y tế và xây dựng mức lương khởi điểm của bác sĩ cho tương xứng với thời gian đào tạo và trách nhiệm công việc.

Bộ cũng sẽ thực hiện các biện pháp giảm tải bệnh viện để cải thiện điều kiện làm việc, giảm áp lực cho cán bộ.

Ngoài ra, giá dịch vụ y tế phải được tính đúng, tính đủ các chi phí. Nhà nước chỉ hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, người trong diện chính sách thông qua mua bảo hiểm y tế cho họ.

{keywords}

Bộ trưởng Y tế đánh giá: Những bất cập trong đãi ngộ sẽ làm nảy sinh "một số tiêu cực" (Ảnh: Cẩm Quyên)

GS Phạm Mạnh Hùng - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng cần đổi mới cơ chế quản lý tài chính y tế, minh bạch hóa vấn đề tài chính bệnh viện công để từ đó minh bạch hóa thu nhập của bác sỹ. Bộ trưởng có ý kiến gì về ý kiến này?

Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành nghị định số 85 tháng 10/2012  về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Tuy nhiên, đổi mới cơ chế phải được tiến hành đồng bộ, từng bước để không ảnh hưởng lớn đến việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là người nghèo.

Lương y như từ mẫu

Bộ trưởng cho biết trong bối cảnh kinh tế đất nước khó khăn, những vấn đề khác có thể tạm hoãn lại nhưng riêng nội dung thay đổi lương khởi điểm cho cán bộ y tế theo hướng “phải cao hơn ngành khác” thì Bộ Y tế sẽ tiếp tục đeo đuổi và đã trình 2 lần với cấp cao hơn. Hiện nay nội dung này đã được triển khai đến đâu rồi? 

Để đảm bảo cân đối chung, thời gian tới, Bộ Y  tế tiếp tục đề nghị Nhà nước giải quyết một số chế độ phụ cấp đối với công chức, viên chức ngành y tế như đề nghị xây dựng mức lương khởi điểm của bác sĩ cao hơn mức lương khởi điểm của bậc đại học. Vì bác sĩ có thời gian đào tạo 6 năm, dài hơn các ngành khác.

Bộ cũng sẽ đề nghị cho công chức, viên chức ngành được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề, chế độ phụ cấp lưu động cho cán bộ tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn vùng khó khăn 

Năm vừa qua ngành y tế quá căng thẳng với hàng loạt sự cố đáng tiếc, Bộ trưởng có thông điệp gì gửi các thầy thuốc trên cả nước nhân ngày 27/2?

Tôi muốn nhắn nhủ tới các thầy thuốc rằng toàn ngành y tế hãy cùng thi đua thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy: “Lương y phải như từ mẫu”.

Cẩm Quyên