- Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 28/2, Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn
Thiện Nhân phản ánh hiện tượng vừa qua 4 hãng sữa đồng loạt tăng giá cùng mức, cùng
ngày loại sữa cho trẻ dưới 6 tuổi.
Ông Nhân nghi ngờ động thái tăng giá 'cùng ngày, cùng mức' của 4 doanh nghiệp sữa lớn là Vinamilk, Mead Johnson VN, Nestle VN, Friesland Campina VN là 'cạnh tranh cùng thỏa thuận', bắt tay nhau nâng giá, vi phạm cạnh tranh lành mạnh theo quy định pháp luật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Phiên họp Chính phủ ngày 28/2 |
'Nguy cơ các doanh nghiệp cùng thỏa thuận tăng giá rất lớn' - ông nói. Hiện tượng tăng giá 'cùng ngày, cùng mức' cũng được ông Nhân 'để ý' với trường hợp 3 công ty viễn thông vừa qua tăng mức cước 3G.
"Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu giải trình nhưng họ vẫn lên giá cùng lúc. Cách đây 3 tháng, ba công ty viễn thông lớn cũng tăng giá cước 3G cùng một ngày. Hình thức là quyền của doanh nghiệp nhưng trong một thị trường mà dưới 5 người cạnh tranh là nguy cơ thỏa thuận rất lớn gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Đề nghị Bộ Công thương, Cục Quản lý cạnh tranh cùng với các bộ ngành liên quan có yêu cầu bám sát việc giải trình tăng giá của những người chủ lực mà lại tăng giá cùng một ngày. Trong hội nhập chúng ta phải có quyền bảo vệ người tiêu dùng bằng giám sát cạnh tranh không lành mạnh” - Chủ tịch MTTQ nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc 3 doanh nghiệp viễn thông hay 4 doanh nghiệp sữa lên giá cùng lúc là 'có chuyện'. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính 'kiểm tra ngay' những phản ánh, giám sát hiện tượng mà MTTQ VN nêu, nếu vi phạm kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật. 'Giá cả phải minh bạch' - Thủ tướng nói.
Nhiều nhà giá rẻ dưới 15 triệu đồng
Việc giải quyết tồn kho bất động sản trong năm nay cũng được Chính phủ thảo luận tại phiên họp. Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nêu ý tưởng cho kiểm toán độc lập xác định giá thành các khu đô thị và nhà ở, định giá thành bán ra thị trường, chứ không chờ các doanh nghiệp tự giảm giá.
Theo ông, các doanh nghiệp bất động sản dường như đang chờ đợi Chính phủ cho vay, giãn nợ hoặc hỗ trợ hơn là chủ động giảm giá thành. Trong khi đó, giá nhà ở bán ra thị trường vẫn rất cao. Bộ trưởng cho rằng không nên hỗ trợ 'mấy ông đại gia bất động sản, đi xe xịn Phantom'.
"Phải xác định được từng căn hộ giá thành hợp lý, yêu cầu doanh nghiệp phải bán để trả nợ ngân hàng. Như vậy, giúp người dân mua được nhà với giá tốt còn ngân hàng thu được nợ" - ông nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng không thể áp cơ chế, mệnh lệnh trực tiếp đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên thị trường. Về nguyên tắc, ngân hàng sẽ siết nợ theo lãi, hạn nợ chưa trả thì lãi suất tăng, nếu doanh nghiệp không thể trả nợ, lãi thì ngân hàng sẽ siết thế chấp của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay, các chính sách, cơ chế ban hành vừa qua nhằm tháo gỡ khó khăn của BĐS là hướng đến với người dân, chứ không nhằm cho doanh nghiệp, nên những người có nhu cầu thực có cơ hội có nhà ở. Ông khẳng định giá cả bất động sản sau một thời gian ngấm chính sách đã giảm mạnh, cho thấy tín hiệu thị trường 'sáng lên'. Giao dịch bất động sản đã tăng.
Những dự án thành công nhất là phân khúc trung bình và thấp về nhà ở tiêu thụ rất tốt, chào thị trường ra đều hết. Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm. Tuy nhiên, ông cho hay, gói 30 nghìn tỉ dù vẫn đang giải ngân nhưng còn chậm.
Trong thời điểm hiện nay, song song các chính sách đang triển khai, Bộ sẽ hướng vào chính sách kích thích tăng cầu cho nhà ở xã hội. Cung nhà xã hội tăng mạnh. Ông khẳng định sẽ có nhiều nhà giá rẻ dưới 15 triệu đồng/m2 để nhiều người được tiếp cận.
- Linh Thư