- Xót xa những căn nhà, biệt thự bị bỏ hoang, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng dù là hàng tồn của chủ đầu tư nào, xét cho cùng cũng là của cải, mồ hôi của dân. Luật điều chỉnh thị trường kinh doanh bất động sản phải khắc phục những bất cập như vậy.

Không ít câu chuyện thực tế được lấy ra làm ví dụ sống động để 'cân chỉnh' những quy định tại phiên họp sáng 10/3 của UBTVQH về dự án luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Ví dụ của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn là một trong số đó.

Ông kể, hai khóa làm trong Quốc hội, nhiều lần trên đường đi sân bay Nội Bài, ông không khỏi xót xa khi nhìn thấy một khu biệt thự, nhà phân lô, chung cư nằm dọc trên đường 'không có người sống ở'. Đến nay nó vẫn ở nguyên đó mà chưa có động tĩnh. Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ muốn mời các ông thần đèn đến ngay đó để cẩu những căn nhà đi, đưa đến những chỗ cần nhà ở để dùng cho khỏi lãng phí.

'Xét cho cùng đất nào cũng là của dân, mồ hôi của dân. Vậy mà đất ở đó không ở được, không bán được, không làm gì được, quá lãng phí. Luật phải làm sao khắc phục bất cập này' - ông nói.

{keywords}
Ảnh minh họa: Minh Thăng

Điều này cũng khiến Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân Sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn quy định dự thảo luật mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, không chỉ dừng ở giới hạn mua, bán nhà, công trình xây dựng có sẵn hoặc hình thành trong tương lai như quy định hiện hành.

"Nhiều công trình có tương lai rất mờ mịt, nhiều người bỏ tiền ra để mong muốn có đất nhưng bị đình trệ, thậm chí người đã nộp tiền nay còn không biết đòi tiền ở đâu. Chúng ta lại còn cho phép, cho thuê, thuê mua trong tương lai sẽ dẫn tới thị trường ảo" - ông Hiển phát biểu.

Thường trực UB Kinh tế cho rằng, mở rộng như dự thảo luật có điểm tích cực là tạo điều kiện cho bên thuê bất động sản chủ động tham gia với chủ đầu tư trong việc hoàn thiện thiết kế, tránh tình trạng phải cải tạo, sửa chữa cho phù hợp với mục đích thuê gây tốn kém, lãng phí. Song cảnh báo hình thức mua bán, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai rất dễ nảy sinh tranh chấp.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói, phải làm rõ nội hàm nhà, công trình hình thành trong tương lai để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp giữa các luật đã và sẽ ban hành... Ông đề nghị phải có quy định chặt chẽ liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua, thuê, thuê lại, thuê mua bất động sản.

Giám sát nước ngoài kinh doanh BĐS?

Quy định dự thảo cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh bất động sản, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh bất động sản như tổ chức, cá nhân trong nước nhận được nhiều ý kiến.

Hầu hết đồng tình luật đưa ra những quy định 'mở' nhưng mở đến đâu, điều kiện và giám sát ra sao là vấn đề. Theo dự thảo luật, quy định giới hạn rõ tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh bất động sản theo 4 hình thức: đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất thuê để cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật; thuê quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật để cho thuê lại.

Tán thành quy định nhưng Thường trực UB Kinh tế đề nghị chưa mở rộng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua và đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất được giao, đất nhận chuyển nhượng, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp để chuyển nhượng, cho thuê đất đã có hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài ra, không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư kinh doanh bất động sản đối với khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn góp ý có thể quy định gọn thành 'không cho phép kinh doanh bất động sản trên đất quốc phòng, an ninh" để không gây khó cho người kinh doanh, bởi nếu không chỗ này cũng dễ bị nghi "nhạy cảm".

Nhiều ý kiến cũng đề cập quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh bất động sản như tổ chức, cá nhân trong nước.

Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, quy định như trên chưa thể làm được vì phải có lộ trình. Ý kiến khác cũng cho rằng phải tách rõ hai đối tượng: người Việt Nam định cư ở nước ngoài có và không có quốc tịch Việt Nam. Bởi theo luật Quốc tịch, 1/7/2014 tới là hạn chót để người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, 5 năm qua, mới chỉ có vài nghìn người đăng ký giữ quốc tịch trong tổng số 4 triệu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài.

Linh Thư