- Hôm nay (16/3), Bộ Tư pháp lần đầu tiên tổ chức thi tuyển chọn người giữ chức danh Phó Giám đốc Học viện Tư pháp theo hình thức bảo vệ đề án trước hội đồng khoa học.
>> Quảng
Nam thi tuyển lãnh đạo
>> TP
HCM thi tuyển cán bộ quận
>> Thi
tuyển Tổng Cục trưởng Bộ Giao thông Vận tải
>> Không
'chạy' được chức tổng cục trưởng nhưng... lo được?
>> Bộ
trưởng Thăng: Không thể “chạy” chức tổng cục trưởng
Học viện Tư pháp là cơ quan thuộc bộ, chức danh Phó Giám đốc được thi tuyển sẽ phụ trách công tác đào tạo, một trong những thách thức trước mắt của cơ quan này sau khi Chính phủ cho phép các cơ quan tư pháp khác cũng được đào tạo các chức danh tư pháp (Tòa án được phép đào tạo thẩm phán, Viện kiểm sát đào tạo kiểm sát viên, Liên đoàn Luật sư đào tạo luật sư...)
Trước đó, việc thi tuyển lãnh đạo mới được tổ chức thí điểm tại một số địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Long An, Bình Dương, Phú Thọ..., mà cao nhất là chức danh Phó Giám đốc sở tại Quảng Ninh. Các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh đang hoàn thiện đề án, còn trong Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải gần đây mới cho biết sẽ thí điểm thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN.
Được biết Bộ Tư pháp đã chủ trương thi tuyển đối với một số chức danh lãnh đạo cấp phòng nhưng chưa thực hiện được vì không có số dư. Đến chức danh Phó Giám đốc Học viện Tư pháp mới có hai người đăng ký.
Ông Nguyễn Văn Điệp |
Ông Nguyễn Xuân Thu |
Một người là ông Nguyễn Văn Điệp (sinh năm 1959), Trưởng khoa đào tạo luật sư của học viện - có thể coi là người trong cơ quan. Người kia là ông Nguyễn Xuân Thu (sinh năm 1973), Phó trưởng ban Thư ký Văn phòng Bộ Tư pháp, so với ông Điệp thì là người ngoài cơ quan dù ông Thu có tham gia thỉnh giảng ở học viện. Ông Điệp nằm trong quy hoạch cán bộ của học viện, ông Thu thì không.
Với đề bài "Giải pháp đột phá nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp trong tình hình mới" - nghĩa là tình hình có sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, hai thí sinh có một tháng để chuẩn bị đề án, nộp cuối tháng 2 vừa rồi.
Hôm nay họ bảo vệ đề án trước hội đồng gồm 13 vị, do chính Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường làm Chủ tịch. Trong hội đồng có ba Thứ trưởng của bộ, hai vị phó viện trưởng VKS và phó chánh án TANDTC, hai lãnh đạo học viện cũng như đại diện của trường ĐH Luật và Liên đoàn Luật sư.
Trong 30 phút trình bày đề án, ông Nguyễn Văn Điệp đưa ra giải pháp trước mắt là cải tiến các phương pháp dạy và học, giải pháp lâu dài là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thu đưa ra hai giải pháp là xác định mục tiêu chất lượng đào tạo bằng một chuẩn đầu ra công khai, và cam kết thực hiện chất lượng ấy bằng một cơ chế kiểm soát, kiểm định.
Cả hai thí sinh đều nhấn mạnh "lấy chất lượng đào tạo làm lợi thế cạnh tranh". Câu hỏi của hội đồng cho họ tập trung vào tính đột phá và khả thi của các giải pháp. Trong khi các câu hỏi tình huống yêu cầu họ giải quyết những vấn đề có ý kiến trái chiều, biểu hiện tiêu cực... Cả hai đều có phong thái tự tin, thể hiện công phu nghiên cứu và hiểu biết sâu rộng về học viện cũng như những thách thức cơ quan này đang phải đối mặt.
Trên thang điểm 100, bản đề án in giấy trắng, đóng bìa cứng chỉ chiếm 20 điểm, việc bảo vệ đề án, trả lời câu hỏi của hội đồng và giải quyết tình huống mới quyết định kết quả thi. Không chỉ hội đồng, hai thí sinh còn phải thuyết phục được cử tọa chính là cán bộ của học viện và các cơ quan khác trong bộ. Họ có quyền viết phiếu thể hiện thái độ của mình để hội đồng tham khảo trong quá trình ra quyết định.
Phát biểu trước khi hai thí sinh bảo vệ, Bộ trưởng Hà Hùng Cường tỏ rõ kỳ vọng vào cách làm mới này. Vì theo đánh giá của bộ, hình thức bổ nhiệm lâu nay tuy có đóng góp nhất định vào việc xây dựng đội ngũ, vẫn có những bất cập như chưa đánh giá được toàn diện năng lực công chức, đặc biệt là những kỹ năng thực tiễn, tuổi đời bình quân của người được bổ nhiệm tương đối cao, chưa thu hút được người trẻ có tài vào công tác quản lý...
Lần thi tuyển Phó Giám đốc Học viện này sẽ là bước thí điểm để bộ chuẩn bị thi tuyển lãnh đạo cấp vụ vào năm sau. "Tôi mong người trúng tuyển tiếp tục đầu tư nghiên cứu, có kế hoạch cụ thể đưa đề án của mình vào thực hiện có hiệu quả trên thực tế, đáp ứng niềm tin của lãnh đạo và cán bộ nhân viên. Người không trúng vẫn được ghi nhận và đánh giá cao, coi như một cơ hội rèn luyện, học tập và phấn đấu", Bộ trưởng Hà Hùng Hường nói.
Diễn ra liên tục đến quá giờ nghỉ trưa, buổi thi tuyển có kết quả cuối cùng là ông Nguyễn Xuân Thu, 41 tuổi, trúng tuyển chức danh Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp. Ông Thu sẽ nhận quyết định bổ nhiệm chính thức ngay trong tháng 3 này.
Bài và ảnh: Chung Hoàng