Nga đã cam kết hơn 1 tỉ USD cho Crưm mỗi năm trong khi các doanh nghiệp có thể đầu tư thêm gần 5 tỉ USD. Tuy nhiên, gánh nặng đè lên vai Moscow xem chừng còn lớn hơn nữa.
Các gia đình ở Crưm vẫn đi dạo trong ánh nắng mùa xuân bên bờ biển Yalta hôm đầu tuần, nhưng cảnh thanh bình ấy khác hẳn với những biến đổi địa chính trị đang diễn ra xung quanh họ. Tuần trước, họ còn sống ở Ukraina. Tuần này, họ sống ở một khu vực tự tuyên bố độc lập và tuần tới trong một thay đổi lớn, họ sẽ sống tại Nga cho dù thế giới có công nhận hay không.
Người dân Crưm mừng trước kết quả cuộc trưng cầu dân ý. Ảnh: EPA |
Sự thay đổi tiếp theo khó nhận thấy hơn. Trong một nhà hàng hạng sang, người phục vụ nhận thấy vào buổi sáng đầu tuần này, thanh toán thẻ tín dụng của họ không còn hoạt động. "Ngân hàng tại Kiev đã chặn mọi thứ”, một người nói.
Ở Simferopol, Leonid Slutsky - nghị sĩ Nga tới thăm đã mô tả sự thay đổi chính trị là một chiến thắng cho dân thường Crưm. "Họ hạnh phúc, họ được bảo vệ, họ sẽ trở lại với đất nước mà họ mong muốn được vậy ít nhất hai thế hệ nay".
Crưm là nơi chứng kiến những làn gió thay đổi về mặt địa chính trị, gần đây nhất là năm 1954 khi Nikita Khrushchev chuyển giao nó cho Cộng hoà Ukraina. Gần Yalta là Cung điện Livadia - nơi nghỉ dưỡng mùa hè của Nga hoàng cuối cùng Nicholas II và là nơi mà Franklin D Roosevelt, Winston Churchill, Joseph Stalin vẽ lại ranh giới châu Âu khi Thế chiến 2 kết thúc.
Chỉ mới 6 tháng trước, cung điện này là nơi diễn ra cuộc gặp thường niên giữa các chính khách toàn cầu với sự hiện diện của Tổng thống Ukraina bị lật đổ Viktor Yanukovych, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton… Hiện tại, cung điện này và cả Crưm chuẩn bị trở thành một phần của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là sẽ chính thức nhanh chóng tuyên bố Nga tiếp nhận Crưm, mở đường cho việc vẽ lại biên giới châu Âu và những biến chuyển về kinh tế.
Một số nhà kinh tế học cảnh báo rằng, Crưm có thể là một gánh nặng tài chính vào thời điểm kinh tế nước Nga đang vật lộn với nhiều khó khăn về vốn, đồng rúp sụt giảm và đe dọa cấm vận kinh tế.
Phó thủ tướng Crưm nói rằng, khu vực này đã thiết lập một ngân hàng trung ương mới, sau này sẽ gia nhập ngân hàng trung ương Nga, được Nga cam kết hỗ trợ 33 triệu USD trong những ngày sắp tới nhằm ổn định tình hình.
Hoài niệm và viễn cảnh
Chỉ tính riêng về phúc lợi xã hội, Nga sẽ phải thanh toán hoá đơn rất lớn, khi
lương hưu gia tăng, khi điều chỉnh khu vực thích hợp với cuộc sống Nga. "Sẽ có
những thay đổi trong luật thuế, dịch vụ hải quan, đăng ký tư cách pháp nhân, các
quy tắc để thích ứng với hệ thống thuế của Nga" - Thứ trưởng Tài chính Sergei
Shatalov cho biết.
Theo các quan chức Nga,ì nước này sẽ chi hơn 1 tỉ USD/năm cho Crưm trong khi doanh nghiệp Nga có thể đầu tư gần 5 tỉ USD vào khu vực này. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều với dấu hiệu cảnh báo từ Nam Ossetia - lúc Moscow tung ra số tiền rất lớn sau khi công nhận độc lập của khu vực này nhưng hiệu quả đạt được không mấy khả quan vì nạn tham nhũng.
Một vấn đề đau đầu nữa với Moscow là những căn cứ quân sự Ukraina còn lại trên bán đảo. Khá nhiều binh lính Ukraina đã bỏ trốn hoặc đào ngũ nhưng vẫn còn có căn cứ khá mạnh cho dù giới chức Crưm tuyên bố toàn bộ căn cứ như vậy trên lãnh thổ giờ đây là bất hợp pháp.
Có tới 85% nhu cầu điện và 90% nhu cầu nước của Crưm trông chờ vào Ukraina, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ trên bán đảo phụ thuộc về mặt thương mại và nguồn cung cấp. Tại Belogorsk, người dân địa phương nói rằng, 100 người có thể thất nghiệp tại một nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng vì nguồn cung đá đến từ Ukraina.
Nga đã hứa sẽ đầu tư lớn để bù đắp tổn thất. Yalta cũng như nhiều nơi của Crưm có nguồn thu lớn từ du lịch. Nỗi quan ngại vì sự hiện diện quân sự của Nga, những khó khăn trong cung cấp thị thực cho người châu Âu khi Crưm gia nhập Nga có thể cản trở du khách.
Thủ tướng Crưm Sergei Aksyonov trấn an dân hồi cuối tuần rằng, không có gì phải lo lắng. Quan chức Kremlin cũng khẳng định Crưm có thể là nơi lý tưởng để thực hiện “phép màu kinh tế” khó có thể diễn ra ở những phần khác của Nga.
Crưm là nơi đặc biệt trong ký ức của người Nga. Vùng đất tràn ngập ánh nắng này là nơi của sản xuất rượu và phát triển nghỉ dưỡng khác hẳn với khu vực giá băng Siberia.
"Chúng tôi từng có cơ sở hạ tầng tốt, người đi du lịch rất nhiều và đời sống tinh thần khá tự do”, giáo sư Sergei Kiselev - người ủng hộ Nga tại Đại học
Taurida ở Simferopol nói. Điều đó giải thích tại sao rất nhiều người - nhất là
lớn tuổi - hoài niệm về thời Liên Xô cũ, xem việc sáp nhập Nga là bước đi nhỏ
hướng tới một cuộc sống phồn vinh mà họ hình dung.
Thái An (theo Guardian)