- Bất cứ hành vi nào của tham nhũng đều tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế... Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam loại bỏ các hành vi tham nhũng ODA.

Chiều 25/3, Giám đốc điều hành Cơ quan đối ngoại châu Âu (EEAS) David O'Sullivan đã có buổi giao lưu trực tuyến đầy ắp thông tin với độc giả VietNamNet về quan hệ EU-Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, như tính minh bạch trong các dự án ODA của EU tại Việt Nam, vai trò EU trong cuộc khủng hoảng ở Ukraina...

{keywords}

Phó Tổng biên tập VietNamNet Phạm Anh Tuấn (trái) và ông David O'Sullivan. Ảnh: Phạm Hải

Dưới đây là một số nội dung đáng chú ý của buổi giao lưu:

Giám sát chặt dự án ODA

Kim Cương, nam - 40 tuổi: Báo chí Nhật Bản vừa phanh phui một vụ hối lộ trong dự án ODA của Nhật ở Việt Nam thuộc lĩnh vực đường sắt. Là một nhà viện trợ ODA không hoàn lại lớn cho Việt Nam, EU quan tâm thế nào về tính minh bạch trong các dự án ODA của mình ở Việt Nam? Liệu vụ việc của Nhật Bản có làm cho EU phải tính đến rà soát các dự án do EU tài trợ?

Ông David O'Sullivan: Bất cứ hành vi nào của tham nhũng cũng đều tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế. Trong giai đoạn trung hạn, việc nỗ lực để loại bỏ bất cứ hành vi nào của tham nhũng là rất quan trọng.

EU có quy trình quản lý chặt chẽ đối với tất các dự án ODA, giám sát các dự án dòng vốn viện trợ phát triển này chặt chẽ. Bất kể dự án nào nếu bị phát hiện dấu hiệu vi phạm, chúng tôi sẽ can thiệp và xử lý nghiêm khắc. Đây cũng là vấn đề chúng tôi quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực loại bỏ các hành vi tham nhũng.

Khủng hoảng Ukraina: EU không mờ nhạt

Thụ, nam - 39 tuổi: EU tỏ ra mờ nhạt trong khủng hoảng ở Ukraina. Có phải vì EU sợ lợi ích của các công ty đầu tư lớn của châu Âu tại Nga bị ảnh hưởng và khả năng xảy ra một cuộc khủng khoảng khí đốt nếu đối đầu với Nga không?

Nói EU đóng vai trò mờ nhạt là không chính xác. Thực tế chúng tôi đã đề xuất ký hiệp định hợp tác toàn diện và hiệp định thương mại tự do với Ukraina, một láng giềng gần gũi, một quốc gia mà chúng tôi muốn có quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn. Chúng tôi đã rất quan tâm đến cuộc khủng hoảng này.

Đương nhiên chúng tôi rất không hài lòng với những gì xảy ra ở Crưm, đã có nhiều biện pháp quan trọng như làm chặt việc đi lại và cấp visa du lịch đối với một số quan chức liên quan. Chúng tôi cũng tỏ rõ thái độ, nếu tình hình không giảm căng thẳng hoặc trở nên căng thẳng hơn, chúng tôi sẵn sàng có những bước đi mạnh mẽ hơn.

Tất nhiên Nga cũng là một láng giềng của EU. Lý tưởng nhất, chúng tôi muốn có thể tham gia vào các cuộc đối thoại mang tính xây dựng  để tìm kiếm các giải pháp ngoại giao và chính trị cho vấn đề này.

{keywords}

Phan Văn, nam - 20 tuổi: Vừa qua Việt Nam là một trong 12 quốc gia tham gia vào chiến dịch tìm kiếm máy bay Malaysia bị mất tích, mà người ta nghi ngờ khả năng bị khủng bố. Theo ông, với khả năng mạnh mẽ về an ninh quốc phòng của EU, liệu EU có thể giúp đỡ Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực về chiến lược và phương tiện kỹ thuật để giải quyết mọi tình huống có thể xảy ra?

Tôi nghĩ là nhiều nước thành viên EU đã tích cực tham gia tìm kiếm máy bay mất tích, ví dụ một công ty vệ tinh của Anh đã có đóng góp dữ liệu quan trọng để xác định vị trí khả nghi của chiếc máy bay.

Tất nhiên, quốc phòng và an ninh là điểm nhấn trong chương trình làm việc của EU và VN, cũng như trong bối cảnh chung quan hệ giữa EU và ASEAN. Ví dụ, tháng 11 năm ngoái đã có một cuộc hội thảo rất thành công giữa EU và ASEAN tổ chức ở Indonesia về an ninh hàng hải.

Thế nên, không chỉ là những vấn đề trước mặt đặt ra trong vụ việc máy bay mất tích này, chúng tôi vẫn hợp tác rất sâu rộng với ASEAN và VN trong những vấn đề này.

Nguyễn Đức, nam - 39 tuổi: Thưa ông, EU có thể giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực tăng cường khả năng an ninh quốc phòng để đối phó với những thách thức an ninh ngày càng gia tăng hiện nay?

EU không phải là một liên minh quân sự, thường là các nước thành viên cụ thể trong EU tham gia vào các vấn đề về quân sự. Tuy vậy, chúng tôi có cam kết hợp tác về an ninh và xử lý khủng hoảng, và chúng tôi đã có các cuộc đối thoại với VN.

Một đoàn cán bộ quân sự của Việt Nam mới đây đã đến Bỉ để tham gia đào tạo. Cùng lúc đó, một số nước thành viên EU như Pháp, Anh, Tây Ban Nha cũng có hợp tác an ninh quốc phòng với VN.

Tiết kiệm bằng euro

Ngọc Anh, nữ - 37 tuổi: EU đã thực sự bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế chưa? Theo ông, người Việt Nam lúc này nên dự trữ tiền đồng euro hay đồng usd?

Nếu phải lựa chọn thì tôi đề xuất mạnh mẽ tiết kiệm bằng đồng euro, vì đó là đồng tiền mạnh và có giá trị ổn định. Kể cả trong giai đoạn khủng hoảng, đồng euro vẫn được dự trữ nhiều thứ hai trên thế giới.

Việc xử lý khủng hoảng hiện nay của chúng tôi đã đạt được tiến bộ, kinh tế không còn suy thoái nữa. Nhưng những cuộc khủng hoảng như thế này cần nhiều thời gian và nỗ lực để khắc phục. Cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1997 có quy mô nhỏ hơn vậy mà cũng sau nhiều năm mới giải quyết được.

Hiện châu Âu đã đưa ra nhiều giải pháp xử lý nợ, trong đó có việc thành lập liên minh ngân hàng như một công cụ để hỗ trợ giải quyết tác động của khủng hoảng.

Ban Chính trị