Những người bạn thân cùng tập judo với Putin, anh em nhà Rotenberg đã rơi vào danh sách đen của Mỹ. Nhưng cũng giống như các thành viên khác trong nhóm St. Petersburg và ở Kremlin nói chung, họ hầu như không thay đổi.
>> Lơ phương Tây, Putin quay sang châu Á
Một buổi sáng thứ sáu, Dmitri Kalantyrsky, chủ tịch một ngân hàng lớn của Nga - SMP - đã mô tả về “sự bất thường” trong các giao dịch. Tiền ngừng đổ về, khách hàng giảm, các ngân hàng khác cắt đứt mọi hoạt động với SMP và cô lập nó khỏi hệ thống tài chính. Đến cuối ngày, hơn 200 triệu USD bị rút khỏi các tài khoản. Kalantyrsky nói “chúng tôi cũng là nạn nhân của sự hoảng loạn”.
Ảnh: Getty Images |
Vào giờ ăn trưa, các cổ đông kiểm soát ngân hàng, Boris và Arkady Rotenberg, đã tới trụ sở để đánh giá thiệt hại. Họ hiểu sự việc xuất phát từ đâu.
Hai anh em nhà Rotenberg là bạn thiếu thời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, và một ngày trước đó, họ bị đưa vào danh sách cấm vận của Mỹ gồm 18 người bạn và cộng sự của Putin. Đây là một phần phản ứng của chính quyền Obama với việc Nga sáp nhập Crưm. Thậm chí dù cấm vận không trực tiếp nhằm vào SMP, thì việc phong toả tài sản tại Mỹ của anh em Rotenberg cũng đủ khiến Visa và Mastercard ngừng xử lý giao dịch vào thứ sáu và thứ bảy.
Tác động với những người bên cạnh Putin không hề nhỏ, liệu nó có buộc ông phải nghĩ lại chiến lược đối với Ukraina hay phục tùng phương Tây?
Có lẽ là không, ít nhất là theo một số cộng sự thân cận và các cố vấn hàng đầu của ông. Trong thời gian tới, nó chỉ đào sâu thêm sự phản kháng của giới tinh hoa Nga đối với phương Tây và khiến họ thắt chặt quan hệ với các cường quốc châu Á.
Nhưng hiện nay, Mỹ dường như không có lựa chọn nào khác.
Dĩ nhiên, cái giá của cấm vận không chỉ đơn giản về mặt tài chính. Nó còn là chính trị và cá nhân đối với Putin. Theo tư duy của Washington, sự ủng hộ của Putin trong tầng lớp tinh hoa Nga phụ thuộc vào khả năng của ông trong việc bảo vệ lợi ích của họ ở phương Tây. Rất nhiều trong số này đã gửi con cái du học ở phương Tây, họ có tài sản trong nhiều ngân hàng, họ trượt tuyết ở dãy Alps, tắm nắng tại Miami và đi mua sắm ở Milan. Mọi đặc quyền này có thể bị ảnh hưởng sau sự mạo hiểm của Putin tại Crưm.
Lòng trung thành
Nếu phải lựa chọn giữa bảo vệ tài sản hay ủng hộ Putin, rất nhiều người ít nhất sẽ bắt đầu đặt vấn đề với lòng trung thành của họ, Mikhail Kasyanov - nguyên Thủ tướng Nga trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của Putin cho biết.
“Đây là dòng nước lạnh với Putin”, ông nói. “Tôi đã thấy vài nghị sĩ bị cấm vận lo lắng”. Kasyanov hiện đứng đầu một đảng đối lập tại Nga, từng là nhân vật quyền lực thứ hai trong giai đoạn 2000-2004.
Mọi nhân vật chủ chốt bị lọt vào danh sách đen của Mỹ không phải vì cấp bậc hay tài sản. Đó là do mối quan hệ giữa họ với Putin. Một số người lớn lên và gần gũi ông nhiều thập niên trước thông qua việc chia sẻ hứng thú với võ thuật hay thể thao, được đào tạo đấu quyền trong cùng một phòng thể dục khi còn là thanh thiếu niên những năm 1960. Những người khác là hàng xóm của Putin ở Tập thể Ozero vùng ngoại ô. Có người cùng làm việc với Putin trước khi ông tới Kremlin hoặc tại Leningrad - chi nhánh của KGB hay văn phòng thị trưởng thành phố.
Chính họ đã tạo lập nền tảng quyền lực cốt lõi của Putin khi ông bước đến thủ đô xa lạ. Huấn luyện viên judo của Putin và anh em Rotenberg khi họ còn nhỏ - Rakhlin - đã khuyến khích ông không nên quên những người bạn cũ. Mùa hè năm ngoái khi Rakhlin qua đời, Tổng thống Nga và anh em Rotenberg đã dự lễ tang.
Một trong những người xuất hiện sớm nhất thời điểm chuẩn bị chuyển giao quyền lực giữa ông Yeltsin và Putin là Arkady Rotenberg, người sáng lập ngân hàng SMP cùng với anh trai năm 2001. Năm trước đó, Rotenberg và những đối tác kinh doanh đã giành được sự nhượng bộ lớn từ nhà nước: kiểm soát toàn bộ sản xuất rượu vodka và các loại rượu mạnh khác trên cả nước.
Như các thành viên khác trong nhóm St. Petersburg, Arkady Rotenberg luôn bác bỏ sự thành công của ông liên quan tới mối quan hệ với Putin. Nhưng khối lượng tài sản gia tăng chóng mặt của ông trong thời Putin là khó có thể phủ nhận.
Trước khi Putin lên nắm quyền, Rotenberg chỉ là một huấn luyện viên judo có một ít thương vụ trung bình tại St. Petersburg. Ngày nay, Tạp chí Forbes ước tính tài sản của ông có khoảng 4 tỉ USD, phần lớn thông qua các giao dịch với những tập đoàn nhà nước Nga như hãng khí đốt Gazprom. Năm 2008, tập đoàn này bán các chi nhánh cho Rotenberg nhất là các công ty cung cấp và xây dựng ống dẫn. Chỉ riêng trong năm 2009, Rotenberg được cho là đã giành 19 lần trúng thầu với Gazprom. Trước Olympics mùa đông ở Sochi, những công ty xây dựng của Rotenberg đã giành ít nhất 21 hợp đồng riêng biệt chuẩn bị cho Thế vận hội với tổng giá trị khoảng 7 tỉ USD (theo Tin tức Bloomberg).
Ngọt và đắng
Nhân vật điều hành Gazprom là Alexei Miller, người đã làm việc với Putin tại văn phòng thị trưởng St. Petersburg những năm 1990. Một nhân vật khác nằm trong nhóm thân cận của Tổng thống Nga là Igor Sechin, hiện đứng đầu tập đoàn dầu khí Rosneft.
Russian Railways - tập đoàn đường sắt do Vladimir Yakunin dẫn dắt. Ông là hàng xóm của Putin khi họ còn ở cộng đồng ngoại ô St. Petersburg năm 1996. Một người đồng sáng lập cộng đồng khi ấy là Yuri Kovalchuk hiện gián tiếp kiểm soát Tập đoàn Truyền thông quốc gia. Con trai của Kovalchuk - Boris - là Chủ tịch tập đoàn xuất khẩu điện của Nga. Em trai của Kovalchuk là Mikhail hiện đứng đầu trung tâm nghiên cứu hạt nhân lớn.
Và danh sách còn nối dài thêm nữa...
Trong khi Yakunin và Kovalchuk đã nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ thì Miller và Sechin cũng có thể gia nhập bảng này trong vài ngày/tuần tới. Song điều này cũng có thể khiến các đồng minh của Mỹ gặp rủi ro khi châu Âu phụ thuộc vào Nga tới 30% nhu cầu năng lượng; một số thành viên EU và NATO như các nước Baltic và Ba Lan đều hoàn toàn trông chờ ở Nga về nguồn cung dầu khí.
Quan trọng hơn, là các biện pháp trừng phạt không phải là cách tối ưu. Nếu mục tiêu của nó là làm cho Putin và những người bạn chịu tổn thất thì Mỹ có thể tuyên bố đã hoàn thành sứ mạng.
Nhưng nếu Mỹ hy vọng khiến Nga dừng bước trong công cuộc chinh phục láng giềng, trả Crưm về cho Ukraina thì cấm vận là vô giá trị. "Nó giống như chọc cây kim vào chân con gấu” Illarionov, cựu cố vấn kinh tế của Putin nói.
Kremlin đang hướng về phía đông. Năm 2012, Putin gọi châu Á “là nhân tố quan trọng nhất cho thành công tương lai của cả nước Nga”. Năm ngoái, Nga đã ký thoả thuận 270 tỉ USD bán dầu cho Trung Quốc trong vòng 10 năm.
Putin có tỉ lệ tín nhiệm cao nhất trong 5 năm trở lại đây và tầng lớp tinh hoa ở Kremlin cũng có thành quả tương tự.
Thái An (theo TIME)