Bộ Nội vụ tổ chức hai hội thảo, một ở Hải Phòng, một ở TP.HCM để nghe góp ý cho dự thảo tổng kết về cơ chế một cửa.

Thủ tướng: Cải cách để bảo đảm quyền làm chủ của dân
Chính phủ nhìn lại 10 năm cải cách hành chính
Hành chính công: Không tỉnh nào hoàn hảo
Cải cách hành chính, sao vẫn ì ạch?

Sau hội thảo ở Đồ Sơn (Hải Phòng) hôm nay (15/5), Vụ Cải cách hành chính Bộ Nội vụ và UNDP sẽ tổ chức một cuộc nữa ở TP.HCM đầu tuần tới.

Theo dự thảo báo cáo sẽ được trình Chính phủ, tuyệt đại bộ phận các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương đã triển khai cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông nhưng chất lượng thực hiện cơ chế này ở một số địa phương còn thấp, nhiều nơi còn mang tính hình thức. Chất lượng con người làm "một cửa" vẫn là điều đáng suy nghĩ.

Các lĩnh vực công việc thực hiện theo cơ chế một cửa cũng còn ít so với quy định. Ảnh: Lê Anh

Sau quyết định năm 2007 của Thủ tướng, các địa phương đã chuẩn bị cơ sở vật chất, bố trí nhân lực, rà soát, lựa chọn và ban hành danh mục các công việc, lĩnh vực và thủ tục hành chính để triển khai thực hiện theo cơ chế một cửa, niêm yết công khai các loại thủ tục hành chính; các quy định, mức thu phí và lệ phí để thực hiện thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức biết và thực hiện. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa được bố trí phòng làm việc riêng, được trang thiết bị đầy đủ với đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp.

Cùng với việc duy trì tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện, một số địa phương tiến hành khảo sát, lấy ý kiến người dân và tổ chức về hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả với nhiều phương thức khác nhau nhằm chấn chỉnh và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của các bộ phận này.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa được áp dụng với các lĩnh vực công việc và thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới cá nhân và tổ chức, như đất đai, đăng ký kinh doanh, hộ tịch, lao động - thương binh và xã hội, xây dựng, công chứng, chứng thực, thuế, hải quan, giải phóng mặt bằng, bồi thường và tái định cư… Qua khảo sát tại một số tỉnh, thành phố thời gian vừa qua, tỷ lệ công việc giải quyết đúng và nhanh hơn quy định, không có sai sót qua thực hiện cơ chế một cửa các cấp cũng như tỷ lệ hài lòng của người dân đều đạt cao.

Góp phần thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, tổ chức theo hướng hành chính phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch với cơ quan hành chính, giảm được tình trạng cá nhân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc, cơ chế một cửa gắn với cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo sự gần gũi, thân thiện với người dân và tổ chức, cá nhân và tổ chức khi có nhu cầu giao dịch công việc với các cơ quan hành chính không còn cảm giác ngại ngần, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của các tỉnh.

Tuy nhiên, cơ chế một cửa ở một số địa phương còn mang tính hình thức, việc thực hiện các thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn còn gây khó khăn, bức xúc cho người dân, vẫn còn nhiều hồ sơ giải quyết không đúng hẹn làm người dân phải đi lại nhiều, phải mất những khoản chi phí ngoài quy định. Có nơi người dân và tổ chức vẫn phải gặp cán bộ các phòng chuyên môn sau khi đã nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, phát sinh tiêu cực trong hoạt động của cơ quan hành chính.

Các lĩnh vực công việc thực hiện theo cơ chế một cửa cũng còn ít so với quy định, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực quản lý nhà nước như: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội. Vẫn còn tồn tại tình trạng "một cửa nhưng nhiều dấu".

Trình độ cán bộ, công chức ở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả còn nhiều bất cập, tỷ lệ đạt chuẩn thấp. Thiếu kinh phí hoạt động, hạn chế việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và chưa có chính sách đãi ngộ cho cán bộ, công chức ở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả là một trong những nguyên nhân được đưa ra cho việc chất lượng thực hiện cơ chế một cửa chưa thực sự hiệu quả. Đến nay, một số tỉnh đã có chế độ phụ cấp cho cán bộ “một cửa”.

Nhưng chất lượng con người - vấn đề quyết định - vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Dù thủ tục đã được đơn giản hóa, cơ chế đã thông, phương tiện, điều kiện cơ sở, vật chất có tốt mà con người không thông thì người dân vẫn khổ. Chắc chắn các quy định luật pháp, khung pháp lý sẽ không thể nào hoàn hảo mà luôn có những kẽ hở, bất cập. Nếu cán bộ có nhiệt tình, có đặt hết tâm huyết để tìm mọi cách giúp đỡ thì dân thuận lợi, ngược lại tìm mọi kẻ hở trong các quy định để nhũng nhiễu thì dân khổ.

Nếu công chức công tâm, làm việc có trách nhiệm, tận tình hướng dẫn thì dù hồ sơ có rườm rà, rắc rối đến mấy thì dân vẫn hài lòng. Ở Pháp, việc cấp phép xây dựng phải mất 6 tháng chứ không phải xin là có ngay như ở Việt Nam. Nhưng cách giải thích và trách nhiệm của người công chức làm cho người dân hài lòng chứ không phải như Việt Nam, chỉ 20 ngày mà dân vẫn cứ ấm ức. Phải có nguyên nhân thì người dân mới phải nhờ đến "cò" khiến dịch vụ này phát triển mạnh bên ngoài gần như tất cả các cơ quan hành chính.

Chung Hoàng