- Chủ trì hội nghị 1 ngày về CCHC, Thủ tướng yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm 10 năm tới là chú trọng cải cách thể chế, bảo đảm ngày càng tốt hơn dân chủ, quyền làm chủ của người dân.

Sốt ruột với cải cách 

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) 10 năm vừa qua (2001 - 2010), bàn nhiệm vụ 10 năm tới (từ nay đến 2020) diễn ra trọn một ngày với tham luận của 9 lãnh đạo bộ và 10 lãnh đạo tỉnh. Không thấy không khí thảo luận như ở các hội nghị lấy ý kiến các địa phương và bộ, ngành do Bộ Nội vụ tổ chức cuối năm ngoái.

Tuyển dụng chung chung, bổ nhiệm theo cơ cấu

Là một trong số hiếm hoi đại diện bộ, ngành phát biểu chứ không đọc văn bản, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên khi đề cập đến công tác cải cách thể chế đã cho rằng tinh thần nhà nước pháp quyền cần được thể hiện rõ trong các văn bản pháp luật. Theo tinh thần này, các quy định về quan hệ tư (giữa dân với nhau) phải đảm bảo được sự tự chủ tối đa cho dân: người dân được làm những gì pháp luật không cấm.

Trong khi đó, các hoạt động của Nhà nước phải được quản lý rất chặt chẽ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật quy định.

"Các quy định đối với công chức phải rất chặt chẽ để tránh tình trạng lạm quyền. Khâu yếu trong bộ máy hành chính hiện nay chính là kỷ luật công chức, kỷ luật thực thi pháp luật", Thứ trưởng Liên nhận xét.

Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Đánh giá cả những mặt được và chưa được của 10 năm CCHC vừa qua, đồng thời nhấn mạnh những yêu cầu nhiệm vụ của 10 năm tới, Thủ thướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra điểm "có ý nghĩa quyết định": xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. "Xét cho cùng là cán bộ", ông nói.

"Phải xây dựng đội ngũ cán bộ công chức vừa hồng vừa chuyên, vừa có nghiệp vụ, năng lực, trình độ đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, vừa có tâm, có tấm lòng, trách nhiệm phục vụ nhân dân, đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy vậy, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng, việc tuyển dụng, thi nâng ngạch cán bộ công chức vẫn đang thực hiện như các quy định hiện hành, chưa có cơ chế, cách làm mới để đánh giá hiệu quả làm việc, năng lực công tác cũng như tiềm năng phát triển của từng công chức để có đào tạo và bổ nhiệm hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng công tác cán bộ vẫn chưa thực sự "phát hiện nhân tài", cần có một quy hoạch, kế hoạch tuyển dụng nghiêm túc.

Theo ông Trần Hữu Thắng, nguyên nhân một phần là do các cơ quan chưa xác định được số lượng, yêu cầu năng lực và tình trạng thiếu người làm của mỗi vị trí công tác trong cơ quan mình, khiến việc tuyển dụng vẫn chung chung và bổ nhiệm vẫn theo cơ cấu.

Chính vì vậy, Thủ tướng đặc biệt lưu ý các cơ quan chịu trách nhiệm CCHC việc làm rõ yêu cầu đối với số lượng, chức danh, yêu cầu nhiệm vụ, tiêu chuẩn năng lực và tiêu chuẩn đào tạo cán bộ. "Có như thế mới giảm được biên chế và rõ được trách nhiệm", ông Dũng nói.

Phải có một bộ chức danh tiêu chuẩn cho từng ngành, từng bộ, từng cơ quan, nếu không Chính phủ vẫn còn nhiều việc chưa quản lý được: "Còn nhiều kẽ hở, nhiều việc chưa biết giao cho ai làm, trong khi có những việc nằm ở giáp ranh giữa các bộ nên trùng lặp, một việc hai người làm, đồng thời vẫn còn những việc giao rồi nhưng chưa rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành nên còn lúng túng".

Bộ máy phải phục vụ dân

Cải cách tài chính công cũng phải theo hướng dành ưu tiên cho con người, Thủ tướng nhấn mạnh. Điều đó có nghĩa là tăng cường kêu gọi các nguồn lực bên ngoài, xã hội hóa cho xây dựng cơ bản và doanh nghiệp nhà nước, để giảm đầu tư từ ngân sách cho các lĩnh vực này, dành tiền đó đầu tư thỏa  đáng cho phúc lợi, an sinh xã hội và cải cách tiền lương.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng thì cho rằng mục tiêu đề ra trong dự thảo 10 năm tới là tiền lương có thể đảm bảo cuộc sống cho công chức và gia đình ở mức trung bình khá của xã hội là chưa thỏa đáng. Ông yêu cầu quy định cụ thể hơn là "mức khá". "Có thế mới tạo động lực thực sự cho công chức làm việc, nâng cao được chất lượng nền hành chính, đồng thời hạn chế được những biểu hiện tiêu cực trong công vụ".

Phát biểu tổng kết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị nhiệm vụ trọng tâm CCHC 10 năm tới là chú trọng cải cách thể chế, xây dựng hệ thống hành chính nhà nước thông suốt từ Trung ương đến cơ sở, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp và bảo đảm ngày càng tốt hơn dân chủ, quyền làm chủ của người dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân và phục vụ dân.

"Bộ máy hành chính là bộ máy phục vụ dân, phục vụ doanh nghiệp, phục vụ mục tiêu phát triển", Thủ tướng nói.

Thủy Chung

Bỏ kiểu 'mẹ hát con khen hay'

Công chức dứt áo, quan chức lẫn lộn buồn vui