- Nhiều địa phương thăng hạng mạnh vài chục lần, không ít địa phương tụt hạng mạnh cũng đến vài chục lần dựa trên điểm chấm của người dân thông qua chính trải nghiệm của họ.

PAPI 2013 (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) công bố sáng 2/4 cho thấy những cuộc hoán đổi nổi bật.

Quảng Bình gây ngạc nhiên khi năm nay trở thành địa phương duy nhất nằm trong nhóm tỉnh/thành phố đạt điểm cao nhất ở cả 6 nội dung khảo sát: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công.

Có những địa phương thăng hạng mạnh vài chục lần như Trà Vinh (từ 60 lên 26), Khánh Hòa (từ 63 lên 34), Bình Thuận (từ 49 lên 20)... hay giảm mạnh như Hà Nam (từ 11 xuống 49), Bình Phước (từ 22 xuống 59), Lâm Đồng (từ 26 xuống 50)... Bắc Giang đội sổ, thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất ở cả 6 chỉ số nội dung.

{keywords}

Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Bắc Lê Văn Lân tỏ ra hơi buồn khi 9/14 tỉnh Tây Bắc nằm ở nửa cuối của 63 tỉnh trong khảo sát của PAPI 2013. 

Ông Lân nêu một loạt điểm yếu của họ như trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ công chức hạn chế, địa hình Tây Bắc hiểm trở, đi lại khó khăn, kinh tế xã hội kém phát triển, dân trí thấp không đủ khả năng nắm bắt tình hình, không đủ khả năng đánh giá hoạt động của chính quyền và các tổ chức cung cấp dịch vụ công....

Ông dẫn một ví dụ muốn công khai minh bạch thì phải có hệ thống máy móc thông tin điện tử nhưng miền núi thì khó khăn về cơ sở vật chất.

Một đại diện từ Bộ Giáo dục - Đào tạo lại cho rằng vấn đề dân trí thấp khó có thể là thước đo. 

Theo bà, chất lượng quản trị, dịch vụ công là vấn đề từ phía các cơ quan hành chính, người dân là đối tượng thụ hưởng chất lượng dịch vụ công, khó có thể cho rằng dân không thể đánh giá được chính quyền tốt hay chưa tốt vì dân trí của họ thấp.

Đã là trải nghiệm thực tế thì thực tế cũng luôn thay đổi. Nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu PAPI có nhắc rằng "người dân không thể đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công nếu họ không trải nghiệm từ thực tế trong quá trình tương tác với chính quyền các cấp và sử dụng dịch vụ công', đánh giá của người dân hoàn toàn dựa trên bối cảnh thực tiễn....

Tính đặc thù địa bàn chính là điều đòi hỏi chính quyền phải sáng tạo trong quản trị, 63 tỉnh/thành ở Việt Nam khác biệt nhau bởi các đặc thù khác nhau, dù yếu tố mặt bằng về kinh tế xã hội có tác động chi phối nhất định. 

Bởi vậy, một cán bộ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã không khỏi tò mò bí quyết quản trị nào khiến một địa phương như Quảng Bình có mức kinh tế trung bình được người dân "ưng", "ghi điểm" cho họ trong những vấn đề nêu trên khá đồng đều như vậy. 

Ông cũng lưu ý câu chuyện của Đà Nẵng từ con số 0 nỗ lực để như ngày nay và luôn duy trì hạng cao rất đáng để các địa phương tham khảo.

TS Nguyễn Quang Du, giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam nhắc đến PAPI như một "tấm gương soi", có thể giúp các lãnh đạo địa phương tự điều chỉnh hoạt động, đổi mới, cải cách bộ máy để có chính sách tốt.

Dân giảm quyết tâm chống tham nhũng

Năm 2013, người dân có xu hướng đánh giá những nỗ lực kiểm soát tham nhũng ở địa phương cao hơn so với 2 năm trước. Hai tỉnh Long An và Tiền Giang đạt điểm cao nhất ở trục nội dung này. Tiền Giang cũng đứng đầu toàn quốc ở hai chỉ số thành phần: kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương và công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công.  Trong khi đó, Long An đứng đầu toàn quốc về kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công...

Người dân được hỏi trên phạm vi toàn quốc dường như ít thấy sự thay đổi trong hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong hai lĩnh vực y tế và giáo dục công trong năm 2013 so với hai năm trước.

Kết quả điều tra cũng ghi nhận khả năng chịu đựng sự vòi vĩnh của cán bộ, công chức đối với người dân dường như gia tăng qua thời gian, trung bình toàn quốc, mức tiền tăng từ 5,11 triệu đồng năm 2012 lên 8,18 triệu đồng năm 2013.

Đáng chú ý là đánh giá quyết tâm từ phía người dân trong phòng, chống tham nhũng có xu hướng giảm dần. Theo PAPI, đây là dấu hiệu không mấy tích cực đối với hiệu quả quản trị ở cấp quốc gia và địa phương.

Ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, tệ nạn ma túy đã vượt qua nỗi lo tham nhũng, việc làm, thu nhập... để trở thành 3 trong số những vấn đề kinh tế - xã hội đáng quan ngại nhất, theo khảo sát của PAPI 2013. Cùng nhóm đáng quan ngại nhất còn có an toàn thực phẩm, chất lượng y tế, giáo dục, giá cả sinh hoạt.

Linh Thư