Theo giới phân tích, đây là dấu hiệu “trục trặc” mới nhất với phương tiện vận chuyển được tán dương nhất ở Trung Quốc.
Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Thịnh Quang Tụ nói với Nhân dân Nhật báo rằng, quyết định trên sẽ khiến giá vé tàu cao tốc ở mức hợp lý hơn và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trên các tuyến đường sắt cao tốc. Ông Thịnh đảm nhận chức vụ đứng đầu Bộ Đường sắt Trung Quốc từ hồi tháng 2 sau khi người tiền nhiệm mất chức vì cáo buộc tham nhũng.
Ông cho rằng, đường sắt Trung Quốc cần
hướng tới việc phục vụ mọi bộ phận của xã hội. "Trung Quốc rộng lớn và có
những sự khác biệt trong phát triển kinh tế và xã hội, vì vậy, các chuẩn mực xây
dựng đường sắt không thể thống nhất”, ông Thịnh nói nhưng không đề cập cụ
thể giá vé tàu có thể thay đổi thế nào.
Ảnh: techeblog
Hãng Tân Hoa tháng trước đưa tin, khoảng 28,5 triệu USD bị biển thủ trong dự án đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải. Đây là dự án mà nhiều quan chức Trung Quốc tán tụng là một trong những thành tựu vận chuyển vĩ đại nhất của nước này. Vụ việc đang được mở rộng điều tra trong vài tuần nay.
Trong vài năm trở lại đây, đường sắt cao tốc Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng cả về phạm vi và tốc độ. Tại báo cáo đưa ra năm ngoái, Ngân hàng Thế giới ước tính vào năm 2012, Trung Quốc sẽ có ít nhất 42 tàu với tốc độ tối đa là trên 250km/h và sẽ có mạng lưới đường sắt cao tốc nhiều hơn phần còn lại của thế giới gộp vào. Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào các dự án, ví dụ chỉ riêng tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải đã có chi phí khoảng 33 tỉ USD.
Nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi về sự an toàn của đường sắt cao tốc Trung Quốc. Một nhà điều hành tại nhà máy sản xuất tàu cao tốc không phải của Trung Quốc cho rằng, các tàu chạy với tốc độ trên 330km/h sẽ đặt ra vấn đề an toàn và chi phí cao hơn. Ở ngưỡng tốc độ này, bánh tàu sẽ trượt nhiều nên cần những động cơ lớn và lượng điện đáng kể để hoạt động. Ngoài ra còn cần nhiều chi phí phục vụ cho việc kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa hàng ngày. Đó là lí do vì sao mà ở châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc không có các hãng khai thác chạy tàu trên 320km/h - vị điều hành nhấn mạnh.
Trong cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc cho hay, các tàu cao tốc sẽ bắt đầu chạy ở tốc độ tối đa 300km/h bắt đầu từ 1/7, so với tốc độ tối đa trước đó vào khoảng 350km/h. Rất nhiều các tàu liên tỉnh của Trung Quốc sẽ vận hành ở tốc độ từ 200 - 250km/h.
Cải thiện hiệu quả năng lượng là một lý do dẫn tới quyết định giảm tốc độ tàu cao tốc, ông Thịnh nói. Các tàu chạy ở vận tốc 350km/h đòi hỏi năng lượng gấp đôi tàu chạy 200km/h, ông cho biết.
Theo Tôn Trương, một chuyên gia của Học viện Đường sắt và vận chuyển đường sắt đô thị thuộc đại học Đồng Tế, những dấu hiệu mới nhất cho thấy, chính phủ đã bắt đầu lắng nghe nhu cầu của người sử dụng đường sắt. Ông cho rằng, những thông tin báo chí về giá vé cao của đường sắt cao tốc đã khiến Bộ Đường sắt cần xem xét lại vấn đề. “Sự khác biệt về tốc độ và giá vé giờ đây sẽ tạo ra nhiều chọn lựa cho người tiêu dùng”, ông khẳng định.
Giá vé tàu cao tốc có thể gấp đôi giá vé hạng cao nhất với tàu tốc độ thông thường. Ví dụ, giá vé tàu cao tốc giữa Vũ Hán và Quảng Châu là 469 nhân dân tệ (70 USD). Đây là mức giá cao với nhiều người dân Trung Quốc và kết quả là nhiều tuyến đường sắt cao tốc rất vắng khách.
Tháng trước, hãng Tân Hoa cho hay, các công ty đường sắt của Trung Quốc mang nợ khoảng 271 tỉ USD. Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, nợ nần không phải là một vấn đề.
Cuộc phỏng vấn của Nhân dân Nhật báo không đề cập tới việc tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải (đang trong quá trình xây dựng và dự kiến khánh thành trong tháng 6) sẽ ảnh hưởng thế nào bởi các biện pháp mới đưa ra. Tàu chạy trên tuyến đường này được thiết kế vận hành ở tốc độ khoảng 380km/h - nhanh hơn bất cứ tàu nào hiện có ở Trung Quốc.
Thái An (Theo Wall Street Journal)