Con đường tốt nhất cho hành động của Trung Quốc với Ukraina là giữ nguyên trạng. Bất cứ lúc nào Nga và các cường quốc phương Tây đụng độ, Trung Quốc lại có lợi thế về đòn bẩy địa chính trị.


Thực tế này một lần nữa được chứng minh trong bối cảnh khủng hoảng Ukraina. Đối mặt với sự đối đầu nguy hiểm nhất giữa Nga và các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu kể từ khi chấm dứt chiến tranh Lạnh, Bắc Kinh vừa phải tránh chọc giận đồng minh, lại cũng không muốn tổn hại quan hệ với siêu cường đang dẫn đầu thế giới.

{keywords}

Nga và Trung Quốc là đồng minh tại LHQ, hành động như một đối trọng với sự thống trị của phương Tây trong những vấn đề toàn cầu suốt thập niên qua. Trung Quốc là nước thành viên duy nhất trong Hội đồng Bảo an bỏ phiếu trắng với nghị quyết chỉ trích Nga về những hành động tại Crưm. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, sự ủng hộ của Bắc Kinh với Moscow bị giới hạn.


"Một mặt, chiến thuật mạnh tay của Nga và việc can thiệp tại Ukraina đi ngược lại với cam kết lâu này của Trung Quốc là không xâm phạm chủ quyền quốc gia", Benjamin Herscovitch , nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu độc lập Australia nói. "Mặt khác, việc Nga phớt lờ chỉ trích của Washington lại khiến Bắc Kinh hứng thú”.


Còn một lý do thực tế khác khiến Bắc Kinh phải kiềm chế trong sự ủng hộ Nga, đó là có thể tạo một cái cớ để bên ngoài can thiệp vào các vùng lãnh thổ Trung Quốc trong tương lai. “Trung Quốc ở thế nước đôi với tình hình Crưm khi họ cũng lo lắng về các tác động có thể xảy ra với chính mình”, Trịnh Tân Phàm - nhà nghiên cứu tại Học viện Quan hệ Quốc tế Australia cho biết.


Chia sẻ hơn 4.000km biên giới với Nga, Trung Quốc cũng lo lắng về sự kiểm soát lớn hơn của Nga khi Tổng thống Putin sẵn sàng thọc vào điểm yếu của phương Tây và cố gắng phục hồi ảnh hưởng của Moscow trên khu vực thuộc Liên Xô cũ.


Ở chiều hướng ngược lại, một số nhà ngoại giao Trung Quốc lại coi cuộc khủng hoảng Ukraina là cơ hội hiếm để cải thiện quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, tương tự như sau vụ 11/9 khi chính quyền của Tổng thống Mỹ George W. Bush trở nên “mềm hơn” trong quan điểm về Trung Quốc.


Lúc đó, Mỹ cần Bắc Kinh như một đồng minh cho các mục tiêu tại Hội đồng Bảo an, và sau đó là mục tiêu tại Afghanistan. Một số nhà chiến lược Trung Quốc còn coi việc kiểm soát Crưm của Putin đặt ra thách thức với lợi ích ngày một lớn của Bắc Kinh trong khu vực. Suốt 5 năm qua, Trung Quốc đã thế chân Nga trở thành nước hiện diện rất lớn tại Trung Á thông qua các thỏa thuận năng lượng, đầu tư nước ngoài và xây dựng hệ thống ống dẫn dầu khí.


Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Turkmenistan và Kazakhstan, đối tác lớn thứ hai của Uzbekistan và Kyrgyzstan.


Với thị phần khổng lồ, Trung Quốc có lợi ích trong việc duy trì hoà bình khu vực để họ có thể tiếp tục khai thác các cơ hội thương mại và đầu tư cũng như đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định.


Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc cuối cùng sẽ đứng ở đâu trong cuộc khủng hoảng Ukraina. Khi bất ổn xảy ra, Tổng thống Mỹ Obama, Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Nga Putin đều nhanh chóng tiếp cận Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.


Nhưng có lẽ, chiến lược tốt nhất của Trung Quốc là duy trì nguyên trạng ở Kiev. Việc Ukraina gia nhập EU sẽ không phục vụ cho các lợi ích của Trung Quốc. Tàu sân bay đầu tiên của nước này - Liêu Ninh - được chế tạo ở Ukraina. Hơn thế nữa, các công ty Ukraina đã góp phần đảm bảo về mặt động cơ cho máy bay chiến đấu Trung Quốc. Nếu Ukraina trở thành thành viên EU và NATO, sau đó họ sẽ phải tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí của khối đối với Trung Quốc.


Thái An (theo scmp)