Về mặt logic luôn có những nghịch lý, những thông điệp khác thường giả mà thật, thật mà giả.

Trung Quốc dường như đang phải đối mặt với một nghịch lý ngoại giao như vậy xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraina. Họ luôn tuyên bố về nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Vậy họ đã làm gì với Nga?

{keywords}
Người dân thành phố Simferopol tham gia cuộc trưng cầu dân ý tại Crưm hôm 16/3. Ảnh: Rian

Nếu họ chỉ trích Nga về việc sáp nhập Crưm, thì họ đã vi phạm chính những chuẩn mực của mình, là can thiệp vào công việc của Moscow. Nhưng nếu không, họ lại cho phép Nga can thiệp vào chủ quyền của nước khác - một sự vi phạm rõ ràng với nguyên tắc không can thiệp của Bắc Kinh. Tờ Economist, trong số mới nhất đã đưa ra các chỉ trích về việc Bắc Kinh không theo phương Tây đối phó với Nga.

Tác giả bài viết cáo buộc Trung Quốc phá vỡ nguyên tắc ngoại giao của mình, chơi trò nước đôi. Vì vậy, với Trung Quốc, dù làm hay không làm cũng đều bị chỉ trích. Nếu Bắc Kinh bị lên án vì sự mâu thuẫn ấy theo cách này hay khác, thì tất nhiên họ phải theo chọn lựa phù hợp nhất cho lợi ích quốc gia của mình.

Rõ ràng là hiện tại, Ukraina không phải là cuộc chiến của họ. Tại sao phải cùng với phương Tây chỉ trích mạnh mẽ Nga khi Moscow nếu không phải là đồng minh chính thức, thì cũng là một đối tác thuận tiện và hữu nghị để đối trọng với các cường quốc phương Tây?

Những gì Trung Quốc đang làm trong vấn đề Ukraina khá giống với các nước châu Á khác như Nhật Bản và Ấn Độ. Họ không hẳn ủng hộ Nga nhưng cũng không chỉ trích. Bắc Kinh bỏ phiếu trắng chứ không phải phiếu trống về một nghị quyết LHQ lên án cuộc trưng cầu dân ý của Crưm để gia nhập Nga.

Trong khi đó, Ấn Độ tuyên bố họ nhận thức Nga có các lợi ích hợp pháp tại Crưm. Nhật Bản muốn tránh các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn chống lại Nga. Từ những cuộc biểu tình đầu tiên chống lại Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych, tương lai của Ukraina là một cuộc chiến uỷ nhiệm giữa Nga và EU, Mỹ.

Từ những nghịch lý ấy, có thể hiểu ngay cả trong logic rõ ràng cũng không có điều tuyệt đối. Trong thế giới thực, các quốc gia luôn làm những gì cần làm vì lợi ích của họ. Bắc Kinh chỉ là không khéo léo mặc chiếc áo tư lợi như phương Tây mà thôi.

Thái An (Theo Bưu điện Hoa Nam)