- Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển muốn làm rõ phạm vi đầu tư của vốn nhà nước trong luật.


Chiều 17/4 tại UB Thường vụ QH, giải trình về sự cần thiết phải có luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định "việc phân công, phân cấp quản lý vốn và tài sản tại các DN giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn chồng chéo, không rõ phạm vi; dẫn đến khó xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm...".

{keywords}
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Cái gì tư nhân làm được thì để họ làm. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tuy vậy, dự thảo luật vẫn quy định khá chung chung về đại diện chủ sở hữu nhà nước: Chính phủ thống nhất quản lý và thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước; thực hiện quyền, trách nhiệm trong việc đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Chính phủ phân công, phân cấp cho Thủ tướng, cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DN do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác; Chính phủ giao Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty trực tiếp thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN.

Vì vậy, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị làm rõ hơn trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu của các cấp đối với tài sản của nhà nước tại các DN vì hiện đang có quá nhiều chủ thể: Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng, UBND các cấp, hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc...

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng yêu cầu làm rõ ai quyết định và chịu trách nhiệm về nhân sự, vốn, đầu tư, phân phối.

Ông Hiển cũng muốn luật khẳng định mục tiêu đầu tư của nhà nước vào DN và nền kinh tế: Luật nói nguyên tắc "điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong từng giai đoạn, phục vụ quốc phòng, an ninh và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng XHCN" thực ra chính là mục tiêu.

Bên cạnh đó, ông Hiển còn muốn bổ sung các mục tiêu "giảm bớt, hạn chế mặt trái, tiêu cực của nền kinh tế thị trường" và "hiệu quả, lợi nhuận".

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách đồng ý với nguyên tắc "đầu tư vốn nhà nước phải đúng mục tiêu, tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát; bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; cũng như đảm bảo công khai, minh bạch trong đầu tư vốn nhà nước vào DN".

Nhưng ông Phùng Quốc HIển muốn bổ sung nguyên tắc "đúng phạm vi", "đúng quy hoạch, kế hoạch" và "bảo toàn vốn".

Phạm vi vốn đầu tư của nhà nước vào DN theo ông Hiển phải nhấn mạnh "những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu mà những thành phần kinh tế khác không tham gia".

"Cái gì tư nhân làm được thì để họ làm", ông Hiển nói.

Theo ông, để quản lý loại vốn và tài sản này, phải có một hệ thống tiêu chí, ví dụ tỉ lệ nợ trên vốn điều lệ đến bao nhiêu là không an toàn.

"Đó là những khung pháp lý, tiêu chuẩn cứng, ranh giới đỏ rất cần thiết mà trong luật còn vắng bóng", ông Hiển nói.

Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng luật phải trả lời câu hỏi "tại sao cùng lĩnh vực mà đầu tư của nhà nước lâu nay hiệu quả chưa cao bằng của tư nhân".

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, số lượng DNNN hiện đang quá nhiều, đầu tư vào những lĩnh vực mà nhà nước không cần đầu tư, trong khi ta đang phát triển các thành phần kinh tế khác.

Tới đây, khi tái cơ cấu DNNN, ở những nơi vốn nhà nước đang chi phối 51-100% nhưng là lĩnh vực không cần nhà nước thì cũng cổ phần hóa hết, ở những nơi vốn nhà nước chỉ 5-10% nhưng là lĩnh vực cần nhà nước thì phải nâng lên để chi phối - luật này phải giải quyết được câu chuyện đó.

Chung Hoàng