- Đúng như dự đoán, trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ - trận Him Lam - đã diễn ra vô cùng ác liệt. Trong kí ức của người cựu binh năm xưa, cảm xúc sung sướng vì chiến thắng cũng nhiều như cảm xúc đau khổ vì mất đồng đội.
Đòn hỏa lực phủ đầuĐại tá Nguyễn Sỹ Động, nguyên trưởng Tiểu ban tác chiến Trung đoàn 141 trong trận Him Lam cho biết sau khi chuẩn bị kỹ càng, đúng 17h5 ngày 13/3/1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp hạ lệnh trận mở màn chiến dịch lịch sử.
Cụm cứ điểm Him Lam được Đại tá Nguyễn Sỹ Động vẽ lại. Ông đánh dấu, ghi chú đầy đủ diễn biến trận đấu. Tấm bản đồ này được vẽ trước khi ông Động đưa đoàn cựu binh trở lại chiến trường xưa vào đầu tháng 4 vừa qua để làm tư liệu. Ảnh: C.Quyên |
Đòn hỏa lực phủ đầu mang tên “Sấm rền” của trên 40 khẩu pháo từ 75mm đến 120mm bất ngờ giáng xuống đầu địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Nhiều ụ súng, chiến hào, giao thông hào bị phá hủy. Thiếu tá, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Lê dương số 3 cùng 3 sĩ quan của Pháp chết ngay trong hầm chỉ huy, điện đài bị phá hủy, liên lạc giữa Him Lam và Mường Thanh bị cắt đứt hoàn toàn.
Tại trung tâm Mường Thanh, khói lửa mù mịt, các trận địa pháo bị tê liệt không kịp phản ứng. 12 khẩu trọng pháo và súng cối bị đánh hỏng, một kho xăng bốc cháy, nhiều công sự sụp đổ.
Sau hơn 3h, toàn bộ cứ điểm 3 bị tiêu diệt. Cứ điểm 1 và 2 kiên cố hơn, ở vị trí hiểm yếu hơn vẫn tiếp tục bị quân ta đánh chiếm. Quân Pháp đã bắn trả tới 6.000 quả đạn pháo, hy vọng cầm cự kéo dài, chờ lực lượng phản kích từ Mường Thanh ra cứu nguy nhưng không thành. Ý định cố thủ thất bại, số quân địch tháo chạy đã bị tiểu đoàn 154 diệt và bắt gần 100 tên.
Thắng bại chỉ trong 1 ngày
Đến 23h30 ngày 13/3/1954, trận đánh Him Lam đã kết thúc với chiến thắng thuộc về ta. Đại tá Sỹ Động cho biết chỉ trước đó một ngày, Tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Bộ là tướng Cogny - viên tướng cuối cùng lên thăm Him Lam - đã rất hài lòng về cụm cứ điểm. Nhưng chỉ một ngày sau đó, nó đã bị tiêu diệt.
Ngày 14/3, một tiểu đoàn địch có xe tăng hộ tống được tung ra phản kích hòng chiếm lại Him Lam nhưng đến đồi E thì bị hỏa lực của ta bắn chặn. Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã thay đổi lệnh, cho rằng với lực lượng ít ỏi như vậy để giành lại một vị trí đã mất là không nên, nên dùng số đó để bảo vệ những vị trí còn lại có thể mất tiếp. Ý kiến này đã được tướng Cogny đồng ý.
Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Động, trong trận Him Lam, lần đầu tiên pháo ta bắn mà bụi cát bay mù mịt khiến chính kẻ địch cũng phải sợ. Tướng Cogny cũng không hiểu tại sao quân Việt Minh kiếm ở đâu ra nhiều đại bác và súng đến như thế “vì từ xưa đến giờ địch có biết pháo của ta thế nào đâu”.
Thất bại của quân Pháp ở Him Lam được tướng Catroux của Pháp đánh giá là đã “dội một gáo nước lạnh lên đầu Bộ chỉ huy quân Pháp. Thất bại nặng nề và bất ngờ này đã gây nên sự sụp đổ về tinh thần cho quân đội chiếm đóng, từ chỗ tin tưởng tuyệt đối đến chỗ quá bi quan”.
Khóc sau chiến thắng
Trong cuộc đời binh nghiệp 46 năm, Đại tá Nguyễn Sỹ Động đã trải qua nhiều thăng trầm, nếm đủ những cảm xúc của chiến tranh. Vậy nhưng với ông, ấn tượng mà trận Him Lam để lại vừa đẹp đẽ hào hùng vừa đau thương bi tráng, theo ông mãi tới tận bây giờ.
Nhắc đến không khí sau chiến thắng Him Lam, giọng Đại tá Nguyễn Sỹ Động chùng xuống ... Những người lính còn sống buồn, khóc rất nhiều vì mất đi đồng đội. Ảnh: C.Quyên |
Lúc tham gia trận Him Lam, ông Động mới 25 tuổi. Số liệu chiến sĩ hi sinh được công bố là 62 người, nhưng ông Động cho biết con số thực tế thì lớn hơn, chưa kể số bị thương. Do đồng đội bị hy sinh nhiều quá, lại toàn đồng đội trẻ măng, nên những anh em còn lại đều khóc …
“Cơm để đó chẳng ai muốn ăn, lúc về đến đơn vị thì chỉ thấy đồng đội lác đác, cán bộ xuống động viên anh em thế nào đi nữa thì cũng chỉ đỡ được một phần thôi chứ lúc đó có nhiều đồng chí khóc lắm. Bao nhiêu cơm bỏ đấy hết, mặc dù chiến thắng. Nên là không có chiến thắng nào không có mất mát, chỉ là nhiều hay ít và mất mát đó thế nào thôi”. Kể đến đây, vị Đại tá già không giấu được sự xúc động, giọng lạc đi, mắt rưng rưng …
Nhưng sau đó, tinh thần của anh em tuy buồn song không bi lụy, yếu đuối. Lực lượng được khôi phục ngay, bổ sung tân binh, ai bị thương nhẹ cũng tiếp tục chiến đấu đợt 2.
“Sự đau buồn đó cũng tạo ra khí thế. Anh em động viên nhau cố gắng chiến đấu chiến thắng để trả thù cho bè bạn, đồng đội nên tinh thần vẫn rất mạnh” - ông Động cho hay.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Động còn tiếp tục tham gia chiến đấu. Ông đã gãy một chân ở chiến dịch Tây Bắc và mất một chân trong chiến dịch Mậu Thân 1968, trải qua bao gian khổ nhưng lúc nào ông cũng nghĩ mình may mắn hơn hàng triệu đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, mà “có nhiều người ngã xuống rồi còn không tìm được xác, để rồi trở thành những liệt sỹ vô danh”.
Cẩm Quyên
Kỳ tới: Giằng co trên đồi A1