Bất bình, lo ngại
Trong khi hôm nay (19/4), Ủy hội sông Mekong mới nhóm họp 4 ngày ở Vientiane để đưa ra khuyến nghị đối với các quốc gia thành viên về việc có nên xây dựng đập Xayaburi không, thì nhiều dấu hiệu cho thấy Lào đã sẵn sàng khởi công công trình này.
"Thông tin trên báo chí tiết lộ việc xây dựng đập Xayaburi cũng như hoạt động di dân trong khu vực đã bắt đầu từ nhiều tháng nay khiến người dân Thái Lan bất bình", bà Premrudee Daorong đến từ Quỹ phục hồi sinh thái Thái Lan cho biết tại cuộc tọa đàm về dự án thủy điện Xayaburi do Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức chiều qua (18/4) ở Hà Nội.
Sự tham gia của các công ty Thái, việc không ít ngân hàng thương mại của Thái rót vốn vào con đập này, và thái độ của Chính phủ Thái đều trở thành đối tượng chỉ trích. Chính phủ Thái được cho là đã "ngó lơ", đồng nghĩa với ủng hộ, việc xây dựng này vì những mối lợi rõ ràng trong việc tiêu thụ điện năng mà dự án này tạo ra trong tương lai.
Người Thái cho rằng chính quyền chưa rút được kinh nghiệm từ hàng loạt đập thủy điện ngay trên đất Thái - thủ phạm gây ra rất nhiều vấn đề. Trong khi, xét về quy mô, các đập lớn ở Thái Lan không thể so với những đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong, bà Daorong nói.
Hôm qua, hơn 100 người dân Thái sống dọc theo bờ sông Mekong đã tập trung trước ĐSQ Lào tại Bangkok để đưa đơn phản đối, song không ai nhận đơn. Hôm nay, họ sẽ chuyển đơn đến Bộ Ngoại giao Thái Lan. Hàng nghìn ý kiến từ khắp nơi trên thế giới phản đối công trình này cũng đã được gửi đến Ủy hội sông Mekong và Ủy ban sông Mekong các nước.
Vị trí dự kiến xây dựng đập Xayaburi. Ảnh:
Asia News
Nước nào hưởng lợi?
Theo ông Đào Trọng Tứ, ủy viên ban cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), thủy điện Xayaburi và 11 công trình khác có thể được xây dựng sau đó trên dòng chính hạ lưu vực sông Mekong, sẽ ảnh hưởng to lớn đến nguồn nước không thể thay thế và mang ý nghĩa quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với hơn 20 triệu dân cư.
Tất cả 12 bậc thang thủy điện dự kiến đều không điều tiết nước mà chỉ có mục đích duy nhất là phát điện; không có tác dụng giảm lũ mùa mưa và tăng dòng chảy mùa khô, làm căng thẳng thêm nguy cơ thiếu nước ở hạ lưu trong mùa khô. 12 đập này cũng sẽ biến hơn một nửa chiều dài sông Mekong ở hạ lưu thành các vùng hồ nước, dòng chảy chậm, khiến lượng phù sa chảy về các châu thổ sông Mekong ở Campuchia và ĐBSCL giảm mạnh, đe dọa sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực.
Theo bà Ạme Tranden, Tổ chức sông ngòi quốc tế, báo cáo đánh giá tác động môi trường của đập Xayaburi do các nhà đầu tư lập rất sơ sài, chỉ xem xét tác động trong vòng bán kính 10km kể từ chân đập trở xuống, bỏ qua những tác động xuyên biên giới và đối với vùng hạ lưu. Trong khi đó, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Ủy hội sông Mekong đã đưa ra các bằng chứng khoa học cho thấy công trình này không thực sự cấp thiết đối với Lào, chưa kể những tác động vô cùng lớn của nó đối với nguồn cá ở lưu vực sông Mekong, nơi chỉ đứng sau Amazon về nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến sinh kế của hơn 60 triệu người.
Bản thân Lào cũng vừa hưởng lợi khiêm tốn, vừa có nguy cơ gánh chịu nhiều rủi ro khi phát triển thủy điện. Do Lào không tự xây dựng các đập này, mà để các công ty tư nhân và tập đoàn nhà nước của các quốc gia khác đảm nhận theo phương thức BOT, phần lớn lợi nhuận sẽ không về tay Chính phủ và nhân dân Lào. Theo thông tin ông Tứ đưa ra tại cuộc tọa đàm, Trung Quốc sẽ xây dựng 4-5 nhà máy, Thái Lan 4 nhà máy...
Trung Quốc, nước đang có 8-15 hồ chứa lớn trên dòng chính thượng nguồn Mekong, nay lại tiếp tục xây dựng, nắm giữ và vận hành 4-5 nhà máy thủy điện trên dòng chính hạ lưu vực, sẽ chiếm lợi thế toàn diện về kinh tế, tầm ảnh hưởng, khống chế nguồn nước và tác động môi trường đến các quốc gia hạ lưu, đặc biệt là ĐBSCL.
Không vì lợi ích công ty tư nhân
Ông Đào Trọng Tứ nhấn mạnh đến một giải pháp toàn diện về kinh tế để thuyết phục chính phủ Lào dừng hoặc hoãn công trình này lại 10 năm nữa, chờ nghiên cứu bổ sung theo các khuyến nghị của Ủy hội Sông Mekong, tránh những hậu quả lớn lao về sau.
Theo ông Tứ, các giải pháp năng lượng thay thế bền vững hiện nay có thể đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế và năng lượng ở hạ lưu vực sông Mekong thay vì phát triển thủy điện trên dòng chính. Chính phủ các nước liên quan và các đối tác quốc tế có thể giúp Lào tìm kiếm, phát triển các giải pháp năng lượng thay thế này.
Nếu vẫn làm thủy điện, Lào có nhiều tiềm năng trên các chi lưu, đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và ít gây tác động môi trường xuyên biên giới. Các nước liên quan, trong đó có Việt Nam, có thể hỗ trợ Lào nghiên cứu và xây dựng các nhà máy trên các chi lưu, như một giải pháp "đền bù" hoặc "cùng có lợi".
Theo bà Daorong, các bên cần cùng nhau bàn bạc để tìm một lối ra cho dự án Xayaburi: "Thay vì hành động như những quốc gia đói năng lượng, chúng ta cần tìm cách khai thác sông Mekong một cách có trách nhiệm, vì lợi ích của người dân và sự phát triển bền vững của khu vực, chứ không phải vì lợi ích của một số ít công ty tư nhân".
Theo bà Ạme Tranden, nên lùi lại 10 năm để tiếp tục nghiên cứu. "Công nghệ mới hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng thay vì phải tàn phá một con sông có ý nghĩa sống còn đối với sinh kế của hàng chục triệu người", bà nói.