Người biểu tình ở miền đông Ukraina lập hàng rào kẽm gai bên ngoài tòa nhà chính quyền Donetsk. Ảnh: Reuters |
Ở khắp miền đông Ukraina, ngoài việc chiếm giữ tòa thị chính thành phố Donetsk, những người chủ trương ly khai đã cắm cờ Nga trên 6 chiếc xe bọc thép chiếm được từ các lực lượng chính phủ. Tuy vậy, vẫn còn nhiều người dân tỏ ra không hăm hở đi theo bước chân Crưm (sáp nhập với Nga tháng trước) song cũng không hài lòng với chính phủ tạm quyền. Chính phủ thân phương Tây đang khởi động liệu pháp “sốc” về kinh tế nhằm đáp ứng các yêu cầu của gói cứu trợ khẩn cấp từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Cả chính phủ và IMF đều nói không có chọn lựa nào khác. Thủ tướng tạm quyền Arseniy Yatsenyuk thừa nhận gói cứu trợ “rất không được ưa chuộng” nhưng Kiev đang rất cần tiền mặt và Nga không còn là nhà hảo tâm. Trong khi đó, cả IMF và các chính phủ phương Tây vốn cam kết cho vay 27 tỉ USD đều từ chối ném tiền vào hố sâu tham nhũng và lãng phí của nền kinh tế Ukraina.
Đặc biệt ở miền đông, khu vực có mối quan hệ kinh tế và văn hóa chặt chẽ với Nga hơn hẳn miền tây Ukraina, gói cứu trợ càng chỉ khiến người dân đã luôn hoài nghi thêm bất mãn vào chính phủ. Hiện người dân Ukraina đang phải đối mặt với những điều tồi tệ nhất. Khoản trợ cấp khí đốt giảm mạnh sẽ khiến người tiêu dùng phải tăng chi cho hóa đơn sưởi ấm và đun nấu lên tới 63% tháng tới. Khoảng 24.000 nhân công nhà nước và 80.000 cảnh sát sẽ bị sa thải. Thuế rượu vodka, bia và thuốc lá cũng sớm gia tăng. Những thay đổi trong tính toán thuế bất động sản đồng nghĩa với việc rất nhiều chủ nhà Ukraina sẽ phải chi trả nhiều hơn...
Đồng bản tệ lao dốc buộc Ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất ngay trong tuần vừa qua và đẩy chi phí tín dụng. Kết quả đầu tiên là giá thuốc tăng chóng mặt khi các loại thuốc chất lượng cao tại Ukraina đều được nhập khẩu.
Bất mãn lên cao
Về lâu dài, các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà chính phủ Ukraina phải áp dụng khi nhận cứu trợ IMF có thể là cần thiết để chấn hưng kinh tế. Nhưng nó lại đào sâu thêm sự bất bình của người dân đối với chính phủ mới vốn đã rất mong manh ở Kiev.
“Làm sao mà họ có thể thực hiện tất cả cùng một lúc”, Ilya, chủ công ty cung cấp thiết bị sưởi ấm tại Donetsk cho biết. Ông mua hàng hóa bằng đồng euro và bán lại với đồng bản tệ. Do đồng tiền mất giá khiến chi phí ông phải chịu tăng tới 40% vào đúng thời điểm hầu như không có ai mua hàng. “Mọi người thực sự rất sợ hãi, họ không biết ai đáng tin tưởng”, ông nói. “Họ đang đẩy chúng tôi lại gần nước Nga”.
Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde trong tháng này tuyên bố, Ukraina phải học cách tự giúp lấy mình. “Nếu có nỗ lực tập thể bài trừ tham nhũng, quản trị chính phủ tốt, mua sắm tốt, giá cả hợp lý với năng lượng và chủ động nắm giữ vận mệnh kinh tế thì thay đổi sẽ xảy ra”, bà nói.
Những yêu cầu của IMF hiếm khi được tán thành, các quốc gia trên thế giới như Argentina hay Hàn Quốc và Hy Lạp đều đã cảm nhận được tính khắc nghiệt nếu muốn được cứu trợ. Tuy nhiên, theo Aleksey Kulyk, 32 tuổi, quản lý ngành công nghiệp lương thực ở Donetsk và là một nhà hoạt động ủng hộ Ukraina, tình hình chính trị bất ổn lại càng làm tăng thêm yếu tố nguy hiểm ở Ukraina.
Kêu gọi trưng cầu
Thỏa thuận với IMF không phải là động thái duy nhất của chính phủ khiến phía đối lập ở miền đông Ukraina tận dụng. Sau làn sóng biểu tình ở Kiev buộc tổng thống Yanukovych mất chức hồi tháng 2, cộng đồng người nói tiếng Nga trong khu vực lại thêm bất bình bởi một đạo luật mới nhằm hạ thấp vị trí ngôn ngữ Nga tại Ukraina. Dù đạo luật nhanh chóng bị hủy bỏ, nhiều người chủ trương ly khai vẫn viện dẫn nó lúc họ kiểm soát các tòa nhà chính quyền ở nhiều thị trấn, thành phố.
Sau tất cả, thách thức đầu tiên với chính phủ là khôi phục sự kiểm soát ở miền đông. Lực lượng Ukraina dường như phải rất thận trọng khi triển khai tại đây, phần vì sợ làm thương vong dân thường, phần lo Nga can thiệp.
Hơn thế nữa, ở một nơi của những mỏ than và nhà máy sản xuất - nơi mà theo lời người dân địa phương thì “mọi người chỉ làm việc, không biểu tình”, người dân thường có xu thế bỏ phiếu vì bữa ăn của mình. Vấn đề bánh mỳ - bơ có ảnh hưởng lớn trong các cuộc tranh cãi. Ví dụ, khi chính phủ mới ký kết thỏa thuận thương mại với EU, thì nhiều người lo lắng có thể khiến Nga áp thuế cao hơn với hàng nhập khẩu Ukraina.
Các học giả Ukraina ở miền đông như Yuri Makogon thuộc Đại học Quốc gia Donetsk, đã kêu gọi mối quan hệ kinh tế cân bằng giữa Nga và châu Âu. Người dân cũng phập phồng chuyện mất việc làm khi quan hệ giữa Kiev và Moscow cơm chẳng lành. Ví dụ, Kramatorsk - thành phố ở miền đông là nơi có nhà máy cơ khí Novokramatorsky chuyên sản xuất các thiết bị khai thác mỏ xuất khẩu sang Nga. “Tôi không biết mọi thứ sẽ kết thúc thế nào, nhưng với người miền đông, không thể chấm dứt bằng mối quan hệ tồi tệ với Nga”, Ilya khẳng định.
Thái An (theo Washingtonpost)