"Tổng thống Nga có thể không cần dùng vũ lực để có được những gì ông muốn. Putin hiểu rằng, nếu ông không hành động quân sự thì mọi người đều nói câu cảm ơn”.
Hãy nhìn vào thỏa thuận ngoại giao mà các bên đạt được tuần trước đưa Ukraina ra khỏi bờ vực chiến tranh và bắt đầu chứng kiến sự thỏa hiệp giữa Nga - phương Tây.
|
Tổng thống Nga V.Putin. Ảnh: Minh Thăng
|
Nhiều người coi đây là một chiến thắng ngoại giao của Tổng thống Mỹ Obama, nhưng dường như người ta nhận thẩy không hề có chút hân hoan, hay thậm chí lạc quan, trong mô tả của ông về bản thỏa thuận cuối tuần. “Tôi không nghĩ chúng ta có thể chắc chắn điều gì”, ông nói với báo giới. "Có khả năng, có triển vọng rằng, ngoại giao có thể làm dịu tình hình... Nhưng tôi không nghĩ, với các diễn biến đã xảy ra, chúng ta có thể dựa vào đó”.
Trong khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có mặt ở Geneva, soạn thảo thỏa thuận chung về Ukraina, thì ông Putin đang có bài phát biểu trong cuộc họp báo ở Moscow. Và tuyên bố của ông không hề giống như người muốn dịu giọng cho những thỏa thiệp. "Kharkiv, Lugansk, Donetsk, Odessa từng không thuộc về Ukraina. Chúng được chuyển giao vào năm 1920, chỉ có Chúa mới biết tại sao”.
Trên thực tế, mọi sử gia Nga đều biết, đường biên giới được vẽ ra trong quá khứ đều nhằm đảm bảo rằng, dân số Ukraina sẽ gồm khá nhiều người Nga.
Putin khẳng định, những thông tin cho rằng lực lượng Nga nằm trong số quân nổi dậy ở các thành phố miền đông Ukraina là “ngớ ngẩn, lố bịch”. Ông gọi chính phủ hiện tại ở Ukraina là bất hợp pháp và ông có bổn phận phải bảo vệ cộng đồng người Nga. Ông nhấn mạnh, quốc hội Nga đã cho phép ông được sử dụng quân đội trong trường hợp cần thiết, nhưng ông vẫn hy vọng không cần viện đến điều này.
"Ông ấy không thỏa hiệp”, Fiona Hill thuộc Viện Brookings cảnh báo. “Ông ấy đang tìm kiếm những gì mà thị trường sẽ gánh chịu. Ông ấy đang cố gắng đánh giá và giải quyết những gì ông có thể về Ukraina”. Điều đó có nghĩa rằng, hành động quân sự vẫn là một chọn lựa?
Về mặt ngắn hạn, Hill và một số nhà phân tích khác nói, Nga sẽ tiếp tục thúc ép Ukraina cải tổ hiến pháp, đem lại quyền tự chủ, tự trị nhiều hơn cho các khu vực thân Nga. "Ông ấy có thể không cần dùng vũ lực để có được những gì ông muốn”, Hill cho biết. "Ông ấy hiểu rằng, nếu ông không hành động quân sự thì mọi người đều nói câu cảm ơn”.
Trong cảm nhận này, Ngoại trưởng Mỹ John F. Kerry đã phạm sai lầm ít tuần trước khi chỉ trích Tổng thống Nga hành xử như một người chuyên quyền thế kỷ 19. Thực ra, Putin là một sản phẩm của KGB thế kỷ 20 - nơi sự nghiệp của ông bắt đầu. Ông biết cái giá của một cuộc can thiệp quân sự. Nó có thể giải thích vì sao Putin đã thực thi một bước lùi thận trọng tuần trước. Ông muốn phân tích rõ ràng giữa lợi ích và tổn thất.
Tại Nga, cuộc khủng hoảng Ukraina kéo dài hai tháng đã gây ra những ảnh hưởng kinh tế: chỉ số chứng khoán Moscow giảm 12% kể từ tháng 2 và ước tính khoảng 51 tỉ USD thoái vốn trong quý một. Bộ trưởng Tài chính Nga đã công bố thu hẹp dự kiến tăng trưởng kinh tế năm nay từ 2,5% xuống còn 0,5%.
Mỹ và Liên minh châu Âu nhất trí rằng, một hành động quân sự trực tiếp từ Nga sẽ buộc họ phản ứng với các biện pháp trừng phạt kinh tế mới. Nhà phân tích Hill nhấn mạnh: “Kịch bản người Ukraina và người Nga xung đột với nhau sẽ không khiến chính người Nga cảm thấy vui vẻ. Chiến tranh là điều tồi tệ”.
Chiến thắng tốt nhất cho Putin sẽ là đem lại “miếng bánh” để ông có thể thưởng thức nó: Có một Ukraina mà Moscow có quyền phủ quyết về chính sách đối ngoại; giữ mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với miền đông mà không cần trả giá cho một cuộc can thiệp quân sự toàn diện.
Putin đang trên đường hướng tới mục tiêu ấy. Mỹ và các đồng minh châu Âu có thể vẫn cản trở được ông thông qua sự ủng hộ lâu dài và kiên nhẫn với chính phủ Kiev cũng như tiến hành một nỗ lực khá tốn kém để giải cứu kinh tế Ukraina.
Nhưng đây là một cuộc đua không cân sức. Lợi ích của Putin ở Ukraina là trực tiếp và sống còn; kết quả là trung tâm chương trình nghị sự của ông ở cương vị tổng thống. Với Obama và các nhà lãnh đạo phương Tây, Ukraina quan trọng nhưng là ngoại vi. "Có một cuộc chiến về Ukraina nhưng sẽ không phải là chiến trường", Hill nói. “Nó sẽ là cuộc đấu trí và câu hỏi đặt ra là liệu có thể khôn ngoan hơn Putin?". Và khó hơn nữa, là vượt qua ông trên chính địa hạt của ông.
Thái An (theo Latimes)