- "Có hộ đang nuôi mấy chục con bò nhưng khi chính quyền địa phương đến kiểm tra để phân loại hộ nghèo đã đi lùa bò hết vào rừng. Hôm sau xét xong họ lùa bò về và liên hoan".

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi kể câu chuyện trên tại phiên họp về dự thảo báo cáo của UBTVQH kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo 2005-2012. Việc cố gắng giữ nghèo, không muốn thoát nghèo của một bộ phận người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một thực tế.

Chờ cứu đói

Ông Lợi muốn đề cập tới sự chồng chéo, đan xen giữa chính sách giảm nghèo nói chung và chính sách giảm nghèo đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này các địa phương từng kêu, chính sách nhiều, chồng chéo, không phát huy được hiệu quả các chương trình.

{keywords}
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi. Ảnh: Lê Anh Dũng

"Họ nói vấn đề ở tư tưởng ỉ lại, trông chờ của một bộ phận người nghèo. Tức họ không muốn thoát ra khỏi hộ nghèo. Sở dĩ đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo không bền vững do sản xuất không bền vững, chỉ tự cung tự cấp, không thành sản xuất hàng hóa. Sản xuất ra chỉ đi cho đi biếu. 62 huyện nghèo không có cơ sở sản xuất công nghiệp, không định hướng họ bán cái gì, tiêu thụ ở đâu. Nếu không khắc phục được sẽ không bao giờ giảm nghèo bền vững được" - ông Lợi phát biểu.

Chia sẻ nhận định, ĐB Hoàng Văn Thượng (Cao Bằng) dẫn chuyện địa phương có trưởng thôn được người trong thôn phần lớn là họ hàng bầu lên nhưng bị cả họ "đe dọa" phải làm cho cả làng nghèo để được hưởng chính sác hỗ trợ. Nên có chuyện nhiều vùng cố giữ làng nghèo. Cán bộ thôn nhiều khi phải đi chỉ đạo từng nhà mua xe máy ở mức này mà không phải mức kia, ti vi mức này không phải mức cao hơn để gia cảnh không bị liệt vào hộ thoát nghèo.

Các chương trình, chính sách giảm nghèo tốt của Đảng, Nhà nước vô hình trung có tác dụng phụ không mong đợi. "Đồng bào còn ỉ lại chính sách của Nhà nước, một số nơi cứ chờ Nhà nước cứu đói, hỗ trợ lương thực. Nhiều khi chúng tôi tuyên truyền Đảng, Nhà nước ủng hộ nhân dân mức độ thôi, nhân dân phải nỗ lực vươn lên. Nhưng hàng mấy chục năm vẫn cứ cứu đói liên tục. Mức độ vươn lên của đồng bào chậm, chỉ đạo sát sao của địa phương chậm. Một số đồng bào dù ruộng lương thực không thiếu nhưng tranh giành thực hiện chính sách. Chuyện này không chỉ ở cấp làng, xã mà cả cấp huyện. Nhiều huyện đang không nghèo lại xuống nghèo" - ông Thượng cho hay.

Cần câu chưa trúng đích

Có nhiều chương trình hỗ trợ hộ nghèo theo tư duy cho cần câu hơn cho cá, nhưng năng lực triển khai làm nảy sinh nhiều vấn đề. Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), chương trình dạy nghề cho đối tượng nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa khi triển khai lại thiết lập mô hình chương trình từ trên áp xuống đại trà đã làm hỏng ý nghĩa của việc tạo cần câu. Có chuyện ở vùng miền núi, vùng xa nhưng lại tổ chức dạy cho họ nghề sửa máy vi tính, "chả khác dạy cho người thành phố học sửa tàu vũ trụ".

Ông Bùi Sỹ Lợi phản ánh tỉnh nào cũng có mô hình dạy nghề do từ trên áp đặt xuống. Có chương trình đề án bài bản đưa từ trên xuống địa phương nhưng địa phương tắc ở cán bộ chỉ đạo. Bởi thế có dự án đào tạo nghề cho 20 người ở một làng nhưng đều cùng nghề sửa xe máy trong khi cả làng xấp xỉ 10 xe, hoặc toàn tập trung sửa chữa điện.

Ông cũng phản ánh tình trạng lực lượng lao động tràn qua biên giới làm việc như Hà Giang có 20 ngàn người sang Trung Quốc, Lào Cai có 8.200 người sang lao động bên kia biên giới. Bên cạnh đó là tình trạng sinh viên tốt nghiệp từ cao đẳng không có việc làm.

{keywords}
Ảnh: H.Nhì

Cán bộ cơ sở vùng dân tộc thiểu số đóng vai trò gốc nhưng vừa thiếu vừa yếu, đặc biệt năng lực điều hành triển khai các chương trình hoàn toàn thụ động.

Cũng đề cập vai trò cán bộ cơ sở, ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) chia sẻ, có nơi chưa chú trọng thực sự kiểm tra cần câu đến trúng đích chưa. Một chuyện nhỏ ở tỉnh của ông đó là có chính sách hỗ trợ gia súc 10 triệu đồng/hộ. Có gia đình hộ nghèo mua hai con heo, một đen một trắng. Heo đen thì nhốt chuồng, còn heo trắng thì nuôi thả rông. Khi ĐB đi giám sát hỏi cho heo đen ăn gì thì người nuôi bảo không biết cho ăn gì vì không thấy cán bộ tư vấn.

"Cán bộ cơ sở quan trọng, phải có tư vấn cho bà con đến nơi đến chốn. Không phải chính sách để dân muốn là hộ nghèo, hộ cận nghèo mà họ phải thoát nghèo".

Các đại biểu cho rằng mục tiêu những năm tới cần giảm tỷ lệ nghèo bình quân cả nước từ 1,5% - 2%/năm, đối với các huyện nghèo giảm 4%/năm. Hệ thống chính sách cần điều chỉnh theo hướng tăng cơ hội để tiếp cận chính sách, tạo sự đồng thuận và chủ động tham gia của người nghèo vào quá trình thoát nghèo của mình với sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội.

Linh Thư - Hồng Nhì