Sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc đang có bước tiến mới trong bối cảnh phương Tây tăng cường cấm vận Nga.


Hiện tại, Mỹ có thể phải vượt qua một cuộc cạnh tranh rất lớn khi đối mặt với liên minh Trung - Nga. Ít ngày trước đây, dẫn nguồn tin ngoại giao, truyền thông Nga đưa tin, giới chức Mỹ cho dù cố gắng hết sức nhưng đã thất bại trong việc thuyết phục các nhà lãnh đạo Bắc Kinh áp dụng biện pháp trừng phạt Nga.

{keywords}
Ảnh: Rian
Các nỗ lực của chính quyền Obama nhằm thúc giục Trung Quốc cần phải gây áp lực với Moscow đã không thành công cho dù nhiều cuộc hội đàm diễn ra từ đầu tháng 3. Trong khi đó, cuộc thương thảo về cung cấp khí tự nhiên giữa Trung Quốc và Nga đang tới lúc kết thúc.

Vấn đề duy nhất chưa giải quyết là giá cả. Với Trung Quốc, việc chuyển sang dùng khí tự nhiên rất quan trọng khi thói quen dùng than đá đã khiến nước này chịu nhiều thảm họa môi trường. Với Nga, tìm kiếm và nghiên cứu thị trường mới cũng là chuyện sống còn, nhất là trong bối cảnh diễn biến hiện tại khiến phương Tây quyết tâm giảm thiểu sự phụ thuộc năng lượng từ Nga.

Hợp đồng khí tự nhiên có thể được ký kết trong tháng 5, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Bắc Kinh. Các chuyên gia không phủ nhận khả năng sẽ đồng ý cấp quyền sản xuất khí cho các công ty Trung Quốc, ít nhất là để tượng trưng. Trên thực tế, Trung Quốc chú tâm khía cạnh này nhiều hơn là chuyện giá cả. Dĩ nhiên, trước mắt, các nhà kinh tế chỉ có thể dự đoán về kết quả đàm phán Nga-Trung.

"Nga là nhà cung cấp chính tài nguyên năng lượng và hydrocarbon cho Trung Quốc, vì thế, với Bắc Kinh, hợp tác với Nga là rất quan trọng. Một mặt, Trung Quốc cần mở rộng xuất khẩu dầu và khí đốt. Mặt khác, họ lại tìm kiếm mức giá thấp hơn cho các sản phẩm của Nga", giáo sư kiêm trưởng khoa nghiên cứu phương Đông trường Đại học Kinh tế Nga Alexei Maslov cho biết.

Một mối quan tâm khác của Bắc Kinh là phát triển quan hệ hợp tác chiến lược gần gũi hơn với Nga về công nghiệp quốc phòng. Trung Quốc cần củng cố lực lượng vũ trang. Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi phương Tây áp dụng các biện pháp cấm vận Nga, Bắc Kinh đã đề xuất mua số lượng lớn máy bay Nga (dù chưa có xác nhận chính xác trong vấn đề này). Tuy nhiên, về mặt tổng thể, Trung Quốc mong muốn mở rộng hợp tác công nghệ với Nga.

Về phần mình, Nga lại quan tâm tới việc thu hút đầu tư vào vùng Viễn Đông - nơi họ có kế hoạch phát triển các khu công nghiệp. Khi các nhà đầu tư Trung Quốc đổ tiền vào đây, Moscow có thể giải quyết được vấn đề việc làm ở nơi xa xôi này. Như Alexei Maslov cho biết, các khu công nghiệp không đòi hỏi nhiều người, nhưng cần lực lượng nhân công có giáo dục và tổ chức tốt kiểu như những đặc khu kinh tế.

"Vùng Viễn Đông cần đầu tư. Tất nhiên, người Trung Quốc có thể làm điều đó, nhưng họ chi tiền rất thận trọng. Họ cần biết chính xác sẽ được gì”, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện nghiên cứu Viễn Đông Ludmila Boni nói. “Họ có thể sử dụng lực lượng lao động của họ, và chúng ta không có nhiều nhân công tại đây. Nếu chúng ta có luật pháp tốt thì có thể sử dụng tốt đầu tư và nhân công để phát triển tiềm năng kinh tế Viễn Đông”.

Về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, chưa chắc các liên hợp công nghiệp quân sự của Nga cần đến điều này. Mục tiêu cơ bản của Nga ở đây là tự minh chứng họ là một quốc gia có thể “chơi” với cả Tây lẫn Đông.

Trong nông nghiệp, Trung Quốc cũng có mối quan tâm khi không đủ đất canh tác. “Họ muốn mở rộng tiềm năng kinh tế bằng cách thuê và phát triển đất đai của các nước lân cận. Tại vùng Viễn Đông, Trung Quốc thuê đất với diện tích khá lớn", Ludmila Boni nói.

Như vậy, có thể thấy tiềm năng hợp tác giữa hai nước là khá rộng. Thỏa thuận dầu khí hai bên một khi được ký kết sẽ là sự khởi đầu tốt đẹp.

Thái An (theo Pravda)