- Khởi đầu cho năm mới, nền kinh tế lại hỳ hục bò lên. Chúng ta đã bắt đầu thoát khỏi “chủ nghĩa thành tích”. Song, để tái cơ cấu thành công, cần phải cưỡng bức cải cách có điều kiện - TS Trần Đình Thiên nói.


Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân (do UB Kinh tế QH, Viện hàn lâm khoa học xã hội VN, VCCI và UNDP đồng tổ chức) khai mạc sáng nay tại Hạ Long, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN vẫn mang nhiều lo lắng.

{keywords}
TS Trần Đình Thiên

Phác thảo sơ bộ hiện trạng nền kinh tế, ông mô tả, đường đồ thị tăng trưởng của Việt Nam rất lạ, lên xuống “rất đẹp”, như là định mệnh. GDP cứ quý 1 thấp, đến quý 4 tăng rất cao, rồi sang năm sau, lại rơi xuống rất thấp, rồi lại hỳ hục bò lên đạt mức rất cao ở quý cuối năm. Điều này không chỉ do tính mùa vụ mà còn do cả cách thức điều hành nền kinh tế.

Theo phân tích của TS Thiên, việc cải thiện tốc độ tăng trưởng theo quý không ảnh hưởng gì lớn đến ‘đại cục hàng năm” của GDP. Tốc độ tăng trưởng theo năm vẫn tụt xuống, hoặc đi ngang trong vùng đáy suốt nhiều năm liền.

Nền kinh tế đã phải trả giá rất nhiều để có được tăng trưởng như hiện nay. Ví dụ như sức mua thị trường yếu, sức khỏe doanh nghiệp cũng vẫn yếu. Số doanh nghiệp đóng cửa vẫn tăng lên. Doanh nghiệp mới thành lập như đứa con đẻ thiếu cân, thiếu tháng. Xu hướng trả giá này cho thấy, nền kinh tế có hồi phục nhưng mức độ rủi ro vẫn rất lớn.

TS Thiên cũng cho rằng: “Chúng ta có vẻ thực sự thoát khoải kinh tế chủ nghĩa thành tích, như việc đã công khai việc không thực hiện được mục tiêu GDP và điều chỉnh theo. Trước đây, chúng ta không làm được thì cố gắng đạt được bằng mọi giá, chạy theo mục tiêu”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế khác lại đưa ra những đánh giá “nặng nề” hơn cho nền kinh tế hiện nay.

TS Cao Sĩ Kiêm bình luận: một số vấn đề hiện nay vẫn còn tù mù. Anh Thiên nói chưa vững chắc, còn tôi nói là quá mỏng manh. Chỉ cần một tác động rất nhỏ, chính sách “va vấp” một cái là doanh nghiệp lao đao ngay. Nền kinh tế chưa đủ đảm bảo vững mạnh vượt quá khó khăn.

TS Lê Đăng Doanh cũng đồng tình nhận định đó. Ông thẳng thắn: “Không nên ngộ nhận về sự hồi phục nền kinh tế hiện nay. Sự hồi phục vừa qua vẫn dựa vào xuất khẩu mà 67% là của nước ngoài, trong đó, giá trị tăng lại rất kém. Nông nghiệp đang rất khó khăn, giá giảm. Sức mua trong xã hội rất thấp, nợ xấu còn là câu chuyện dài dài. Bất động sản vẫn đang gắn với sự trì trệ của nền kinh tế".

Ông Doanh nhấn mạnh, cần có cái nhìn toàn diện, nghiêm túc trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay.

Quyết liệt giải tỏa điểm cốt tử nợ xấu, nợ công

Với những phân tích trên, TS Thiên nhấn mạnh, sự nghẽn mạch của nền kinh tế vẫn còn lớn. Thu ngân sách còn khó khăn, nợ công tăng. Hệ thống ngân hàng có nhiều thách thức, nợ xấu chưa giải tỏa được bao nhiêu, sở hữu chéo vẫn còn đó. Hiện nay, chúng ta có sáp nhập, liên kết ngân hàng, nhưng điểm nóng là sở hữu chéo thì giải quyết không dễ.

Theo ông, khi lưu thông vốn rất chậm, thì đó chính là điểm sinh tử của nền kinh tế. “Năm nay, sang năm phải quyết liệt khơi thông điểm nghẽn này, bởi nền kinh tế đang yếu đi chính ở điểm cốt tử này”, TS Thiên nói.

Thị trường bất động sản có ấm lên, nhưng tổng giá trị tồn kho tới 92.700 tỷ đồng vẫn rất lớn. Dư nợ bất động sản tăng tới 14,7%. Trong gói 30.000 tỷ, chỉ giải ngân được 2.900 tỷ - quá chậm. “QH cần có thái độ rõ ràng, chứ cứ mãi “ngâm tôm” thế này thì tồn kho thể chế”, ông Thiên nói.

Trong khi đó, nợ công lại đang có nhiều nguy cơ lớn đáng báo động. Nguy cơ nợ công của Việt Nam không nằm chủ yếu ở con số, mà ở ảo tưởng về mức độ an toàn, ông Thiên phân tích.

Liên quan đến các kiến nghị giải pháp, TS Thiên cho rằng, “phục hồi tăng trưởng, kiềm chế lạm phát là điểm sáng. Chúng ta cần chấp nhận trả giá để phục hồi, tức là phải kiên trì giữ lạm phát, cố gắng đừng làm xao động mục tiêu này”.

Đặc biệt, tư duy trong tiếp cận tới tái cơ cấu nền kinh tế phải gắn với hai điểm mấu chốt là thực hiện logic thị trường trong phát triển và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Ví dụ, với việc cải cách DNNN, “phải cưỡng bức cải cách có điều kiện, thì mới nhanh được”, TS Thiên nói.

Nếu theo logic, cổ phần hóa mỗi ngày hơn 1 doanh nghiệp thì quá khó, có thể, 2-3 năm, ta chẳng cổ phần hóa được DN nào, ông nói.

TS Cao Sĩ Kiêm cũng chia sẻ, về cổ phần hóa, tinh thần phát ra rất mạnh. Thậm chí, có tinh thần anh nào không làm thì đứng ra chỗ khác. Nhưng hiện nay, tình hình vẫn chưa tiến lên nhiều. Khả năng hoàn thành cổ phần hóa được 432 DNNN trong 2 năm là rất khó. Chưa nói đến việc các doanh nghiệp hiện yếu toàn thân, sức khỏe giảm sút, tài chính cạn kiệt thì không rõ thoát ra bằng cách nào. Điểm sáng ở cải cách kinh tế vẫn chưa rõ.

Phạm Huyền