- Cải cách thể chế theo kinh tế thị trường đã bàn 15 năm nay, nhưng vẫn chưa xong. Các chuyên gia chia sẻ, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay chính là Nhà nước có muốn thay đổi hay không.
Điểm nghẽn
Hai tháng qua, vấn đề casino trở thành đề tài “hot” trên nghị trường Quốc hội. Trong đó, đặc khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh được nhắc đến nhiều nhờ việc Bộ Chính trị đã chấp thuận cho thí điểm người Việt Nam vào chơi. Đã có 6-7 ông trùm sòng bài đến rồi đi.
Chia sẻ với báo chí bên lề Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2014, ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh tâm tư, tất cả vẫn đang chờ đợi. Bởi vì, thể chế… chưa có gì.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính |
“Làm đặc khu thì thể chế phải là đột phá, hiện đại, nếu không hơn thì cũng phải bằng những đặc khu nổi tiếng đã thành công trên thế giới. Như thế mới cạnh tranh được với quốc tế và thành công”, ông Chính nói.
Chờ đợi thể chế đã đành, chính quyền tỉnh này còn đang chờ cả vào một cam kết, quyết tâm của Trung ương: Có làm đặc khu này hay không?
Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2014 hội tụ hàng trăm chuyên gia kinh tế hàng đầu của cả nước. Mang chủ đề “Động lực phát triển mới từ cải cách thể chế”, sau hàng chục bài phát biểu, đến cuối buổi diễn đàn này, TS Võ Trí Thành và nhiều vị chuyên gia vẫn đặt lại câu hỏi: “Thể chế kinh tế thị trường là gì? Cải cách thể chế là gì?”
Câu chuyện làm đặc khu kinh tế Vân Đồn và cải cách thể chế xét cho cùng, đang vướng một điểm chung: Nhà nước có muốn thay đổi, có muốn làm hay không?
Chia sẻ về điều này, GS Đỗ Hoài Nam nói, tại sao thể chế thị trường được đặt ra từ Đại hội 9, đã gần 15 năm mà đến nay, vẫn chưa xong. Khách quan thừa nhận, ta đã có bước tiến dài trong việc đổi mới thể chế, bằng chứng là những kết quả kinh tế đã đạt được. Nhưng những vấn đề gai góc nhất về thể chế hãy còn đó. Ta phải xử lý những vấn đề gai góc này, để có nền kinh tế thị trường đầy đủ.
TS Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ thẳng thừng, cải cách thể chế nhanh hay chậm, quy mô lớn hay nhỏ lại chính phụ thuộc vào việc liệu Nhà nước có thực sự muốn làm không.
“Thực tế, điểm nghẽn cải cách thể chế chính là ở đây, nằm ở chính vai trò, chức năng của Nhà nước đã không còn phù hợp với kinh tế thị trường. Nếu Nhà nước không thay đổi, sẽ không có đột phá thể chế. Nhưng đáng tiếc là, chúng ta lại rất ít bàn thảo đến đổi mới vấn đề này”, TS Cung nói.
Ông lo ngại, có thể sẽ vẫn chưa có đổi mới thể chế toàn diện và hệ thống, có chăng chỉ là những thay đổi đơn lẻ, ở một số thể chế cụ thể.
Cơ hội cận kề
Tuy nhiên, TS Cung vẫn nhìn thấy “cửa mở” cho câu chuyện đại cục này.
“Cơ hội để thay đổi đang rất cận kề”, ông nói. Đó chính là một loạt các luật đang được ra đời hoặc sửa đổi như luật Đầu tư công, luật Ngân sách, luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Cùng với đó là phải có những chốt chặn để khóa vòi ngân sách lại. Khi đó, bắt buộc những "chủ thể” quan trọng của thể chế này sẽ phải đối mặt với sự khan hiếm nguồn vốn đầu tư và sẽ phải lựa chọn bỏ vốn vào những nơi có hiệu quả hơn. Trong đó, Chính phủ, tổ chức cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm về hiệu quả của đồng vốn đầu tư.
TS Lưu Bích Hồ đề nghị lập một ủy ban chuyên trách về cải cách thể chế. Bởi hiện nay, động đến các DNNN thì không ai muốn lấy đá ghè chân mình.
Với Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS Trần Đình Thiên, cải cách thể chế bắt đầu từ nhiều nơi, nhưng trong đó, đặc khu kinh tế chính là nơi xác lập một hình mẫu thể chế hiện đại. Đây là tọa độ đột phá mạnh, tạo sự lan tỏa phát triển cho quốc gia. Việc xây dựng đặc khu kinh tế như ở Vân Đồn, Phú Quốc không chỉ là để tạo ra vùng nào đó tăng trưởng hưởng lợi, mà phải để Chính phủ thử nghiệm mạnh các thể chế mới.
Phạm Huyền