- Áp dụng các tiêu chí, kể cả xoay 360 độ để đánh giá mà các báo cáo gửi về cho thấy toàn cán bộ, công chức xuất sắc hoặc tốt, "chả ai không hoàn thành nhiệm vụ cả" - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho hay.
Ví dụ được Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nêu tại hội nghị góp ý dự thảo nghị định đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức sáng 6/5 không đâu xa chính là Bộ của ông.
|
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Nếu đánh giá cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ, khi bỏ phiếu bổ nhiệm lại, lãnh đạo dễ bị mất phiếu. Ảnh: Hiền Anh |
Kết quả lần sau cũng chỉ xác định được 1 đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại kéo hết xuống không có đơn vị hoàn thành xuất sắc và phần lớn "hoàn thành tốt".
Nhưng đó không chỉ là chuyện của Bộ Nội vụ. “Đi kiểm tra một số bộ, ngành, địa phương chúng tôi thấy hầu hết đều đánh giá cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, chả ai không hoàn thành nhiệm vụ cả” - Thứ trưởng Nội vụ cho hay áp dụng các tiêu chí, kể cả xoay 360 độ để đánh giá mà các báo cáo gửi về toàn màu hồng.
Khó nghĩ nhất là những trường hợp mà Bộ trưởng “biết mười mươi” kém nhưng cuối năm bình xét “cứ ngồi im kiểu gì không được khen vẫn là hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
“Việc này như một cuộc đấu tranh nội bộ rất căng thẳng, lãnh đạo chịu nhiều sức ép, đòi hỏi bản lĩnh xử lý” - Thứ trưởng chia sẻ với đại diện bộ, ngành.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cũng cho hay TP từng hướng dẫn chi tiết 100 điểm đánh giá cán bộ theo hướng dẫn quy định chung trong một công văn do Bộ Nội vụ ban hành. Nhưng “vẫn không thể tìm ra được người không hoàn thành nhiệm vụ, gần như 100% hoàn thành nhiệm vụ rất tốt, thậm chí xuất sắc”.
Ông Trịnh Sao Mai, VPQH cho rằng, hầu như các cơ quan khi đánh giá cán bộ định kỳ để tìm ra được trong 30% một bộ phận yếu kém rất khó do việc giao cho cán bộ không cụ thể, “gạo nào cũng nấu thành cơm”.
Có hết nể nang?
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội đánh giá cao yếu tố “hiện đại” của dự thảo nghị định về vai trò của thủ trưởng, người trực tiếp giao công việc cho cấp dưới để đánh giá. Nguyên tắc cấp trên đánh giá cấp dưới, các đồng nghiệp trong cơ quan đóng góp ý kiến.
Ông Sáng nói, không ai có thể hiểu năng lực, phẩm chất của cán bộ, công chức, viên chức hơn người giao việc trực tiếp. Lâu nay duy trì cơ chế đánh giá tập thể, bỏ phiếu nên nể nang nhau, dĩ hòa vi quý, mắc bẫy tư duy nhiệm kỳ.
Có ý kiến không đồng tình dự thảo quy định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan là một trong những cơ sở để đánh giá, phân loại cán bộ, công chức. Kết quả đánh giá từng người không được cao hơn mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan.
Ông Trịnh Sao Mai cho rằng, trong một đơn vị có thể có hàng trăm người, phải có một số người tốt, chứ không phải xấu hết.
Do đó, phải quy định ngược lại là trên cơ sở đánh giá của cán bộ công chức chung trong đơn vị để đánh giá đơn vị hoàn thành mức nào, có thể tính tỉ lệ phần trăm bao nhiêu cán bộ làm tốt, cộng lại thì được đánh giá.
“Chứ không phải một đơn vị anh hùng ở dưới có anh hùng, mà ở dưới có anh hùng thì trên mới được anh hùng” - ông Mai nói.
Đại diện Bộ Tư pháp nêu tình huống nếu có đơn vị sự nghiệp công lập yếu kém có một cán bộ mới về lãnh đạo, vực dậy đơn vị này vươn lên mức trung bình, khá, nhưng chưa thể xuất sắc.
Nhưng chiểu theo quy định thì cán bộ lãnh đạo đơn vị này không thể được đánh giá là xuất sắc thì không ổn. Do đó, quy định cần đảm bảo sự khích lệ để qua mỗi lần đánh giá cán bộ được nhìn nhận, được đánh giá đúng năng lực, trình độ, tránh cào bằng.
Vị đại diện Bộ này e ngại quy định trên có thể tạo hiệu ứng ngược. Như trường hợp có đơn vị phấn đấu cờ chính phủ, không thể nào đánh giá trong đội ngũ có 3-4 người là kém nên phải nâng cả những người kém lên mức hoàn thành nhiệm vụ.
Cấp trên sợ cấp dưới
Đại diện Bộ Tài chính chỉ ra các tiêu chí đánh giá cán bộ của Đảng và luật Công chức, viên chức có khác nhau, vì vậy nên tách riêng việc đánh giá cán bộ của hệ thống hành chính và hệ thống đảng chuyên trách.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội thì nhận định việc đánh giá, phân loại phải phục vụ cho công tác quản lý, sử dụng cán bộ trong việc khác như đề bạt, lên lương, khen thưởng.
Một trong những nội dung liên quan được chỉ ra là việc bổ nhiệm và bổ nhiệm lại. Theo Thứ trưởng Nội vụ, cơ chế bổ nhiệm lại hiện nay dễ làm thui chột bản lĩnh của người lãnh đạo vì họ phải đánh giá người sắp bỏ phiếu cho mình. Nếu đánh giá cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ thì khi bỏ phiếu bổ nhiệm lại, lãnh đạo đó dễ bị mất phiếu.
Linh Thư