- LS Lê Thanh Sơn chiều 11/5 đã tham gia phiên họp mở rộng bất thường ban thường vụ Liên đoàn Luật sư VN về việc tuyên bố phản đối TQ xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông. Ông ủng hộ đề xuất Chính phủ nên khởi kiện TQ.
|
Luật sư Lê Thanh Sơn |
Trao đổi với phóng viên sau phiên họp, ông Sơn nói:
Đến giờ phút này nếu chúng ta không khởi kiện TQ thì sẽ là điều rất đáng tiếc, đồng nghĩa với việc cơ hội tốt nhất bị bỏ qua.
Trước hết phải khẳng định sự việc đang diễn ra không phải tranh chấp mà là xâm phạm chủ quyền. Hành vi của TQ những ngày qua là xâm chiếm vùng đặc quyền của VN. Tranh chấp thì phải nằm ở vị trí nào chứ đằng này TQ vào hẳn vùng đặc quyền kinh tế nằm trong vùng 200 hải lý của VN.
Hơn nữa, nếu VN khởi kiện thì đã có đầy đủ cơ sở pháp lý hợp pháp. Các chứng cứ ta thu thập được, đặc biệt từ 2002 đến nay có rất nhiều. VN luôn tuân thủ và sử dụng luật pháp quốc tế như một biện pháp hữu hiệu.
Đặc biệt trước đó đã có Philippines kiện TQ. Đây là một tiền lệ thuận lợi cho chúng ta.
Vào thời điểm hiện nay, VN đã làm rất nhiều việc nhưng với lực lượng tàu hộ tống giàn khoan của TQ lên tới trên 80 chiếc và sự leo thang sử dụng vũ lực, rõ ràng nếu chúng ta cứ đơn phương giải quyết theo các cách như thế này có lẽ không ổn, dẫn đến cuối cùng là vẫn phải khởi kiện.
Trong bang giao quốc tế, việc một quốc gia khởi kiện một quốc gia khác về một nội dung nào đó không ảnh hưởng đến hoạt động giữa 2 nước.
Đề xuất một vụ kiện trong nước trước
Nếu khởi kiện TQ, theo ông, sẽ là một vụ kiện như thế nào?
Điều đầu tiên cần xác định là kiện cái gì. Việc này chúng ta cần nhìn sang Philippines để học hỏi. Khi kiện TQ, Philippines rất khôn khéo, né được tất cả những điểm có thể bất lợi bằng cách chọn vấn đề để kiện.
|
Tàu hải cảnh 44044 TQ chuyển hướng đâm thẳng tàu CSB NV 4033 ( trước khi đâm, mũi tàu 44044 TQ còn nguyên vẹn). Ảnh : Cảnh sát biển VN |
Theo đó, Philippines không kiện về tranh chấp mà kiện về việc TQ cố tình hiểu sai, giải thích sai, áp dụng sai các quy định của Công ước Luật biển năm 1982, từ đó dẫn đến việc TQ áp đặt đường lưỡi bò.
Việc Philippines không kiện việc tranh chấp là để tránh TQ sẽ rất khôn ngoan khi sử dụng điều 298 của Công ước Luật biển 1982 để phủ quyết thẩm quyền của tòa án. Cũng vì chọn vấn đề này nên TQ buộc phải giải thích (song thực tế là đã không tham gia vì đuối lý).
Phiên tòa này vì thế sẽ vẫn được xét xử bình thường. Diễn biến phiên tòa này có thể kéo dài 3-5 năm nhưng tôi có niềm tin là Philippines sẽ thắng.
Theo ông, VN cần chuẩn bị những gì cho cuộc chiến pháp lý này?
Ta nên học Philippines. Nếu chọn vấn đề như của Philippines để kiện và TQ tiếp tục từ chối thì đó là thách thức pháp lý đối với họ.
Chúng tôi đang đề xuất một vụ kiện rất đơn giản thôi, nhưng rất ý nghĩa.
Đó là một vụ kiện hoàn toàn trong nước, tòa án VN có thẩm quyền giải quyết.
Chúng ta có 3 khả năng kiện, thứ nhất là Tập đoàn dầu khí VN kiện Tổng công ty Dầu khí Hải dương TQ. Thứ hai là Tổng công ty Dầu khí VN kiện tổng công ty này. Thứ ba là Hội nghề cá VN kiện tổng công ty này.
Nếu chưa cần thiết phải kiện cấp chính phủ - chính phủ thì có thể tiến hành 1 trong 3 vụ kiện trên. Cả 3 vụ kiện đó đều có thể thực hiện theo pháp luật VN và chính tòa án VN sẽ xét xử.
Đây sẽ là cơ hội tốt để tập hợp tư liệu và cơ sở pháp lý về một mối. Đó là chính bước chuẩn bị đầu tiên để kiện cấp chính phủ sau này nếu có.
TQ đã đánh tráo khái niệm
Bằng kinh nghiệm trong các vấn đề luật pháp quốc tế, ông có thể lý giải việc TQ đã vin vào những cơ sở pháp lý nào để tiến hành những động thái như vừa qua trên vùng biển hợp pháp của VN?
Khu vực mà TQ đưa giàn khoan vào không phải vùng tranh chấp.
TQ đã đánh tráo khái niệm với dư luận quốc tế bằng cách tỏ ra cố tình hiểu sai các quy định của Công ước 1982. Ví dụ: Các đảo, theo quy định thì các bãi đá dân sinh không có người ở thì không được coi là đảo và không được coi là có vùng lãnh hải và không được coi là có chủ quyền nên không thể xác định được vùng lãnh hải 12 hải lý.
Nhưng điều nguy hiểm là TQ đang tạo ra sự liên kết của các đảo với nhau. Nếu căn cứ vào Công ước năm 1982 thì đương nhiên khi đã có liên kết các đảo thì họ sẽ tạo ra được chủ quyền trên đảo để từ đó tạo ra vùng lãnh hải rồi vùng đặc quyền kinh tế. Vùng này đương nhiên sẽ chồng lấn với vùng đặc quyền của các nước khác chứ không riêng gì VN.
Tôi thấy nếu các nước trong khu vực không cảnh giác, không có phản ứng tích cực từ bây giờ thì việc hiện thực hóa đường lưỡi bò của TQ chỉ là vấn đề thời gian. Tôi cho rằng sự việc lần này là một trong những chuỗi hành vi từ trước đến nay (cắt cáp tàu, ngăn chặn ngư dân) nằm trong sự toan tính thống nhất có chủ trương của lãnh đạo TQ.
Vùng đặc quyền kinh tế là vùng tự do hàng hải, tất cả các nước đều được tự do đi lại, vận chuyển hàng hóa nhưng không được phép khai thác tài nguyên hoặc có hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền của quốc gia đó, nếu làm phải xin phép và có sự đồng ý của nước đó.
Hiện nay TQ cấm tàu thuyền đi lại trong phạm vi 3 hải lý, và sẽ nới rộng ra tới 6 hay 10 hải lý. Cứ đà này dần dần họ sẽ tạo ra vùng cấm bay ở đó, ai bay qua phải xin phép v.v… Đây lại là giàn khoan di động, dần dần giàn khoan này tiến sâu thêm vào, chỉ còn cách bờ biển VN 20 hải lý thì sao?
Cẩm Quyên