- Cuộc hội đàm hẹp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Thống Aquino chiều nay kéo dài gấp đôi thời gian. Hội đàm mở rộng giữa hai đoàn ngay sau đó cũng có những kết quả thực chất, trong đó hai bên nhất trí xây dựng lộ trình tiến tới quan hệ đối tác chiến lược.

Phát biểu với báo chí sau hội đàm chiều nay tại Manila, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay Thủ tướng và Tổng thống Aquino nhất trí lập UB công tác chung do hai Bộ Ngoại giao đứng đầu để xây dựng lộ trình tiến tới quan hệ đối tác chiến lược, sớm trình lãnh đạo cấp cao hai nước.

{keywords}

Thủ tướng khẳng định điều này “vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển chung của khu vực”.

Thống nhất xây dựng lộ trình nâng cấp quan hệ song phương với Việt Nam, Tổng thống Philippines Aquino khẳng định, quan hệ hai nước “chặt chẽ và mạnh mẽ”, chia sẻ những thách thức chung như trong cơn bão Hải Yến quét qua nước này thời gian qua, trông đợi hai bên cùng nỗ lực để đóng góp xây dựng cho thịnh vượng chung.

Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng

Một trong những lĩnh vực hai nhà lãnh đạo tập trung trao đổi, đó là hợp tác quốc phòng và an ninh. Nói với báo chí, Tổng thống Philippines khẳng định mức độ hợp tác “đang phát triển rất tốt”.

“Thông qua sự hợp tác này chúng tôi tăng cường hơn nữa sự tin cậy giữa hai nước và tăng cường khả năng của quân đội hai nước. Hợp tác hải quân đã có sự phát triển tốt, đặc biệt là trong cuộc thảo luận và đối thoại giữa hải quân hai nước vào tháng 3 vừa qua” - ông nhấn mạnh hai nhà lãnh đạo trông đợi tiếp tục có những hình thức hỗ trợ, thảo luận hiệu quả tiếp theo.

{keywords}

“Tôi tin tưởng rằng tiếp tục hợp tác với Việt Nam cũng như các thành viên  khác trong ASEAN trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh góp phần thúc đẩy hơn nữa sự ổn định trong khu vực”.

Cụ thể, hai bên trao đổi ý kiến về hợp tác giữa cảnh sát biển của Philippines và cảnh sát biển Việt Nam.

“Cảnh sát biển giữa hai nước đã gia tăng quan hệ hợp tác trong những năm gần đây, như phòng chống và cơ chế ứng phó tràn dầu, các cơ chế về cứu hộ cứu nạn, các cơ chế trao đổi thông tin như đường dây liên lạc nóng hoặc các cơ chế khác giữa cảnh sát biển Việt Nam và Philippines để bảo vệ các nguồn lợi thủy sản, để chống lại các hoạt động phi pháp trên biển và các vùng lân cận giữa hai nước” - Tổng thống Philippines cho biết.

Ông cho rằng hai nước đã đối mặt với thách thức chung với tư cách là quốc gia biển và thành viên của ASEAN. Đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác giữa Philippines và Việt Nam sẽ cho phép bảo vệ tốt hơn các nguồn lợi thủy sản của mình.

Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết thêm, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác và tích cực triển khai các thỏa thuận đã đạt được về quốc phòng, an ninh; đẩy nhanh tiến trình đàm phán ký kết Hiệp định Dẫn độ; nghiên cứu thiết lập cơ chế Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm hậu cần, công nghiệp quốc phòng; tích cực tham vấn, ủng hộ nhau tại các cơ chế hợp tác khu vực về quốc phòng an ninh như ADMM, ADMM+, ARF...

Hợp tác biển, đại dương là trụ cột chính

Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định hợp tác biển, đại dương là một trụ cột trong quan hệ hai nước; nhất trí tiếp tục thường xuyên trao đổi, phối hợp lập trường, hợp tác có hiệu quả tại các cơ chế song phương như Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác biển và đại dương, Nhóm Chuyên gia pháp lý về các vấn đề hợp tác trên biển; thúc đẩy hợp tác nghề cá...

{keywords}

Thủ tướng đặt vòng hoa tại Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở công viên ASEAN, Intramuros

Một trong những mục tiêu mà hai nhà lãnh đạo tiếp tục tái khẳng định quyết tâm hoàn thành đúng thời hạn như phấn đấu đạt kim ngạch song phương 3 tỷ USD vào 2016.

Hai nước khẳng định sẽ tạo thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước tiếp xúc, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư; tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực và mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, dịch vụ…đồng thời khuyến khích tăng cường và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng khác như văn hóa, giáo dục,y tế, khoa học công nghệ và du lịch…

Về tình hình Biển Đông, tôi và ngài Tổng thống cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông trước việc TQ tiến hành nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của các quốc gia ven biển, nhất là vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu vào trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông.

Hai bên kiên quyết phản đối và kêu gọi các nước, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu TQ chấm dứt ngay các hành động xâm phạm nêu trên, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982,Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

                                                        Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Xuân Linh - Ảnh: Nhật Bắc (từ Manila)