- Đại biểu QH nhận định trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, VN cần kiên trì liên kết với nhiều quốc gia trên thế giới.
XEM CLIP: Play
Trao đổi bên hành lang QH sáng nay (26/5), ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói nếu đoàn kết giữa các quốc gia nhỏ yếu với nhau, những quốc gia là nạn nhân của việc bị bắt nạt, bị trấn áp, ta có cơ hội để thắng lợi trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
ĐB TP.HCM nói: Sức mạnh của công luận tiến bộ thế giới là một lực lượng rất mạnh. Các quốc gia bắt nạt các nước khác, làm những điều sai trái, bất chấp luật pháp quốc tế, sẽ phải chịu áp lực lớn từ công luận, chịu những thiệt hại vì người ta sẽ tẩy chay anh, liên tục phê phán anh và nhân dân của anh.
Vì thế chúng ta phải kiên trì tiếp tục đấu tranh bằng sự liên kết với rất nhiều quốc gia trên thế giới, làm sao thuyết phục được công luận thế giới đứng về phía mình.
ĐB Trương Trọng Nghĩa: Sức mạnh tập hợp của hơn 90 triệu người dân VN là sức mạnh quyết định |
- Tại Đối thoại Shangri-La năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu gây ấn tượng mạnh. Theo ông, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore từ 30/5-1/6 tới, trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông này, VN nên có thông điệp như thế nào?
Chúng ta có chính nghĩa, có cơ sở pháp lý vững chắc chứng minh việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 của TQ là sai trái. Ta phải đem chính nghĩa này trình bày khắp mọi nơi. Cuộc đấu tranh để thuyết phục công luận và nhân dân thế giới, những quốc gia lớn như Mỹ, Nga, TQ và cả những quốc gia nhỏ hơn, có hoàn cảnh giống chúng ta như Philippines... phải diễn ra liên tục.
Thế nên hội nghị Shangri-La sắp tới là cơ hội cho các lãnh đạo VN tiếp tục trình bày chính nghĩa và lập trường đúng đắn của mình.
Vừa qua Thủ tướng VN đã xuất hiện ở nhiều diễn đàn quốc tế, tuyên bố rất rõ ràng chúng ta luôn tranh thủ tối đa việc giải quyết bất đồng và tranh chấp một cách hòa bình. Ngay cả khi bảo vệ chủ quyền, chúng ta cũng làm bằng các biện pháp hòa bình, làm sao giữ vững và duy trì hòa bình.
Nhưng khi chủ quyền của ta bị xâm phạm, tước đoạt, nước khác bất chấp, không tôn trọng chủ quyền của chúng ta, mà chủ quyền là thiêng liêng, thì khi đó ta rơi vào một tình thế bắt buộc phải tự vệ để bảo vệ chủ quyền của mình.
- Ông sẽ nói gì với cử tri về cuộc đấu tranh trên Biển Đông?
Trước hết phải thông tin cho cử tri những việc mà ĐB và QH đã làm trong kỳ họp này để tham gia và ủng hộ cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
Thứ hai, phải giải thích về tính nguy hiểm và những âm mưu của các nhà lãnh đạo TQ trong những hành vi của họ để nhân dân có sự chuẩn bị về tinh thần.
Thứ ba là tỏ rõ tính chính nghĩa của VN và khả năng chiến thắng trong cuộc đấu tranh này để người dân có niềm tin, yên tâm hết sức đồng thuận với chính phủ, với nhà nước tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ
quyền này, sức mạnh của hơn 90 triệu người dân VN tập hợp lại, hỗ trợ ủng hộ nhà
nước, như lịch sử nước ta đã luôn luôn chỉ ra, chính là sức mạnh quyết định.
Giúp các nghị sĩ Mỹ hiểu lập trường của VN
Cũng trao đổi với báo chí sáng nay, Chủ nhiệm UB Đối ngoại QH Trần Văn Hằng cho biết ngày mai (27/5), đoàn của Chủ tịch tiểu ban châu Á - TBD thuộc UB Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ sẽ sang thăm và làm việc tại VN.
Chủ nhiệm UB Đối ngoại QH Trần Văn Hằng: Nhiều nghị sỹ Mỹ chưa hiểu VN |
Trong nội dung chuyến thăm có việc tăng cường và thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, và tìm hiểu thái độ cũng như chủ trương của VN đối với vấn đề Biển Đông.
"Thực chất trong các nghị sỹ Mỹ có nhiều người không am hiểu, nhiều người sang lần này có quan hệ hạn chế với VN vì là các nghị sỹ mới, nên ta phải làm cho họ hiểu cơ sở pháp lý và lịch sử của chủ quyền VN, khẳng định chủ quyền ấy, từ đó phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền của VN trên Biển Đông và đề nghị QH các nước có tiếng nói phù hợp với luật pháp quốc tế", ông Trần Văn Hằng nói.
Chủ nhiệm UB Đối ngoại QH cũng cho biết đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ sang để tìm hiểu việc triển khai Hiến pháp 2013 của VN, đặc biệt là các vấn đề về quyền con người.
"Thượng viện Hoa Kỳ đang bàn dự luật nhân quyền VN, nên để dự luật có lợi cho ta, ta cần chủ động hoan nghênh đoàn sang tìm hiểu. Do quan điểm, nhận thức về nhân quyền của hai bên còn khác nhau nên cần có sự trao đổi, đối thoại để hiểu nhau hơn, xử lý các vấn đề nhân quyền phù hợp hơn với đặc điểm mỗi dân tộc, đặc biệt là đặc điểm nước ta", ông Trần Văn Hằng nói.
C.Hoàng ghi - Clip: T.Lý - X.Quý - Ảnh: L.A.Dũng