- Tại phiên họp thường kỳ tháng 5 chiều 29/5, Chính phủ đã thông qua nghị định phát triển thủy sản với những chính sách ưu đãi đặc biệt giúp ngư dân vươn khơi.

Nghị định quy định rõ và mạnh hơn các chính sách đầu tư quan trọng này theo hướng Nhà nước đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục hạ tầng thiết yếu cho cảng cá loại I, tất cả các khu neo đậu tránh trú bão, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản và vùng sản xuất giống thủy sản tập trung; đầu tư 100% kinh phí xây dựng toàn bộ hạng mục hạ tầng cảng cá, khu neo đậu ở các đảo; hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển.

Khẳng định việc Nhà nước đầu tư toàn bộ các công trình cảng cá, khu tránh trú bão, không phân biệt cảng cá loại I hay II và khu neo đậu tránh trú bão ở các đảo.

{keywords}
Ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ảnh: TTXVN

Nhà nước đầu tư 100% kinh phí đầu tư trạm bờ, trang bị thiết bị đầu cuối trên các tàu cá hoạt động xa bờ, góp phần hướng dẫn hoạt động tàu thuyền sản xuất, tránh trú, giảm thiệt hại do thiên tai trên biển, khuyến khích ngư dân tăng cường bám biển sản xuất, hiện diện dân sự, khẳng định chủ quyền, góp phần vào bảo đảm an ninh-quốc phòng trên các vùng biển VN.

Về tín dung, nghị định nêu rõ giảm lãi suất, thực hiện ân hạn để đóng mới, cải hoán tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần; đầu tư mới hạ tầng vùng nuôi, sản xuất giống thủy sản...

Nghị định cũng đưa ra các mức vay vốn khác nhau cho các dự án đóng mới, nâng cấp tàu với chất liệu vỏ khác nhau đáp ứng mục tiêu khuyến khích đóng mới tàu vỏ thép và vật liệu mới nhằm hiện đại hóa đội tàu cá.

Cụ thể, chính sách tín dụng đối với vay vốn trung, dài hạn cho đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản có  hạn mức vay 90% tổng giá trị dự án vay vốn đối với tàu vỏ thép, vật liệu mới; 70% giá trị dự án vay đối với tàu vỏ gỗ. Thời hạn vay là 10 năm đối với tàu vỏ thép, 7 năm với tàu vỏ gỗ. Lãi suất tối đa 3%/năm, thời gian ân hạn 1 năm; tài sản thế chấp được sử dụng giá trị tàu đóng mới, tàu cải hoán, nâng cấp để bảo đảm vốn vay.

Hạn mức cho vay tối thiểu 200 triệu đồng/năm đối với tàu khai thác hải sản; tối thiểu 500 triệu đồng/năm với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản; tối thiểu 60% giá trị hợp đồng cung cấp dịch vụ hậu cần, tiêu thụ hải sản.

Bộ NN-PTNT tính toán sơ bộ nguồn lực tài chính thực hiện đề xuất theo nghị định dựa trên số liệu tàu cá hiện có là 117.116 tàu, trong đó tàu cá xa bờ (trên 90 CV) có 28.561 tàu. Theo đó, ngân sách đầu tư xây dựng hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, trạm bờ và trang thiết bị thông tin đầu cuối trên tàu khai thác hải sản, hạ tầng sản xuất giống, nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 2015-2020 là 20.000 tỉ đồng; nguồn vốn tín dụng cho vay lãi suất thấp là 10.000 tỉ đồng.

Linh Thư