Yêu sách chủ quyền của TQ với Biển Đông đang gây bất ổn cho khu vực, khiến quá trình giải quyết tranh chấp thất bại, đồng thời đe dọa sự phát triển lâu dài của Đông Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói.


Ông Hagel khẳng định, Mỹ phản đối bất kỳ quốc gia nào hăm dọa hay sử dụng vũ lực để khẳng định tuyên bố chủ quyền. "Mọi quốc gia trong khu vực, gồm cả TQ, có một chọn lựa: đó là đoàn kết và cam kết đi tới một trật tự ổn định hoặc bỏ qua những cam kết ấy, đe dọa hòa bình và an ninh có lợi cho hàng triệu người khắp châu Á-TBD và hàng tỉ người trên toàn thế giới”, ông nói.

{keywords}
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: AP

TQ và Nhật có tranh chấp về một quần đảo ở Hoa Đông hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nhật. Mỹ không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền nhưng tuyên bố rõ ràng có bổn phận hỗ trợ Nhật Bản theo hiệp ước phòng thủ chung. Mỹ cũng từ chối công nhận việc TQ đơn phương thành lập vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông.

Gần đây, các quan chức Mỹ cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về quyết định của Bắc Kinh khi triển khai giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ở Biển Đông.

Trong nỗ lực trấn an những lo lắng của châu Á về vai trò của Mỹ với khu vực, ông Hagel dùng bài phát biểu của mình để khẳng định rằng, cho dù sức ép cắt giảm ngân sách và nhu cầu hỗ trợ quân sự gia tăng khắp châu Phi, châu Âu, thì Mỹ vẫn duy trì cam kết mạnh mẽ với châu Á.

"Tái cân bằng không phải là mục tiêu, hứa hẹn hay tầm nhìn, đó là một thực tế”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói và đưa ra một danh sách dài các động thái của Mỹ đã làm như tăng quân, tàu chiến, các tài sản quân sự trong khu vực, cung cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa cho Nhật Bản, bán máy bay không người lái hiện đại và các máy bay khác cho Hàn Quốc, mở rộng hợp tác quốc phòng với Australia, New Zealand và Ấn Độ.

Ông cho biết, Mỹ có kế hoạch tăng viện trợ quân sự nước ngoài lên 35% và đào tạo, huấn luyện quân sự lên 40% vào năm 2016. Thúc giục các quốc gia làm việc cùng nhau để giải quyết tranh chấp, ông Hagel nhấn mạnh, Mỹ cũng tiếp tục tiếp cận với TQ.

Trong khán phòng Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Mỹ tuyên bố: “An ninh và thịnh vượng chúng ta đã được hưởng trong những thập niên qua không thể được đảm bảo trừ phi tất cả các quốc gia có sự khôn ngoan, tầm nhìn và làm việc với nhau để giải quyết những thách thức”.

Bước sang năm thứ hai liên tiếp, ông Hagel đã sử dụng Đối thoại Shangri-La như một diễn đàn để yêu cầu TQ chấm dứt hoạt động gián điệp mạng chống lại Mỹ. Yêu cầu của ông đưa ra chưa đầy hai tuần từ khi Mỹ cáo buộc 5 sĩ quan quân đội TQ xâm nhập hệ thống máy tính Mỹ để ăn cắp các bí mật thương mại.

Trong bài phát biểu của mình tại Đối thoại, ông Hagel nói, Mỹ sẽ tiếp tục đề cập vấn đề an ninh mạng với TQ vì “đối thoại là điều cơ bản để giảm thiểu nguy cơ hiểu lầm, tính toán sai và leo thang căng thẳng trong không gian mạng”.

Thái An (theo AP)