- Nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ được các ĐBQH nhắc đến như 2 lựa chọn hàng đầu trong lúc cần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào TQ. Nhưng chỉ nhìn riêng nông nghiệp đã thấy nhiều nghịch lý khi một nước nông nghiệp phải nhập quá nhiều nông sản và nông dân không làm giàu được.
Chơi vơi cả 2 đầu
Ông Nguyễn Thiện Nhân (Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN, ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho biết, VN là nước xuất khẩu 7 loại sản phẩm đứng từ số 1 đến số 5 trên thế giới: Tiêu và café đứng thứ 1, điều đứng thứ 2, gạo và cao su, thủy sản thứ 3, trà thứ 5.
Về năng suất, VN cũng có tới 12 cây, con có năng suất vào loại cao nhất thế giới.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN, ĐBQH tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Minh Thăng |
Vấn đề đặt ra là vì sao năng suất sản phẩm của VN cao nhất thế giới mà thu nhập nông dân cứ thấp? Tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đang giảm dần, nếu không có xu hướng đột phá thì mục tiêu tăng trưởng trên 3% đối với ngành nông nghiệp là rất khó.
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát lý giải trước QH chiều 2/6: quy mô sản xuất của mỗi gia đình còn quá nhỏ nên sự tăng lên không rõ nét, đồng thời tỷ lệ lạm phát cũng làm triệt tiêu một phần giá trị tăng được tạo ra. Ngoài ra, nông nghiệp tăng trưởng chậm vì nhu cầu tăng yếu, xuất khẩu gặp khó khăn, trong khi tác động của những tồn tại về cơ cấu của ngành này ngày càng mạnh.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trong hơn 30 năm qua áp dụng hình thức sản xuất hộ và nông trại, người nông dân Việt Nam đã gần như làm hết năng lực của mình, giờ đây, muốn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hơn nữa thì cần phải có cuộc cách mạng trong ngành nông nghiệp về cung cấp nguyên liệu đầu vào, công nghệ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, người nông dân VN không được hỗ trợ cả đầu vào lẫn đầu ra.
Cuộc cách mạng "5 đầu vào, 6 đầu ra"
Chủ tịch MTTQ VN nêu ví dụ: Mỗi năm VN chi tới 5.500 tỷ để nhập thức ăn chăn nuôi cá basa (trong tổng hơn 3 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi gia súc nói chung). Nếu có chiến lược thì có thể thành lập cả ngành công nghiệp chế biến, sản xuất thức ăn chăn nuôi, vừa đảm bảo chủ động được nguồn cung, vừa đảm bảo chất lượng, giảm nhập khẩu.
Cuộc cách mạng cho ngành nông nghiệp, theo ông Nhân, được thực hiện bởi 5 giải pháp đầu vào, 6 giải pháp đầu ra.
Về đầu vào, hiện nay, về quy hoạch Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có quy hoạch cây, con mà VN có lợi thế. Phải nội địa hóa đầu vào khâu cung cấp cho nông nghiệp, trong đó chú trọng ngành sản xuất thức ăn cho cá tra; quy hoạch vùng đất và cải tạo giống cho năng suất cao cho ngô và đậu tương (mỗi năm VN nhập khẩu hàng triệu USD ngô và đậu tương).
Về đầu ra, muốn nông dân có thu nhập ổn định, cần có cơ chế thu mua lớn, đồng bộ; đẩy mạnh việc tạo ra giống có chất lượng cao, chịu được hạn, chịu được bệnh; đổi mới công nghệ nuôi trồng, ứng dụng công nghệ mới cho năng suất cao; tạo điều kiện về vốn cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh hình thành các sàn giao dịch nông sản tương lai; tổng kết bảo hiểm nông nghiệp để hỗ trợ, đảm bảo ổn định cho nông dân; công khai cho quốc tế hiểu Việt Nam không bán phá giá; hỗ trợ người nông dân xây dựng thương hiệu; hỗ trợ phát triển hệ thống kho lưu trữ trong cả nước và các vùng.
“Phải làm quyết liệt và có người giám sát, kiểm tra. Người giám sát đó chính là QH, nhân dân và MTTQ”, Chủ tịch MTTQ nói.
Trước QH, rất nhiều các ĐB thể hiện sự sốt ruột đối với lĩnh vực nông nghiệp và đề nghị Chính phủ cũng như Bộ NN&PTNT cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp để có "chỗ dựa" vững chắc cho nền kinh tế.
Cẩm Quyên