- Tình hình Biển Đông và những hệ lụy đối với nền kinh tế “vốn đang phụ thuộc nặng nề vào TQ” là vấn đề nóng nhất được ĐBQH thảo luận sáng 2/6. Các ĐB đề nghị QH thể hiện tinh thần “thắt lưng buộc bụng” một cách mạnh mẽ để đất nước có đủ tiềm lực đầu tư cho quốc phòng, an ninh, ứng phó với láng giềng.


Chuyển từ lệ thuộc thành tương thuộc

ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng VN và TQ là láng giềng, TQ là nước lớn, ta quan hệ với họ là bình thường. Nhưng qua sự kiện vừa rồi ông đề nghị xem lại các mặt như quan hệ thương mại, đầu tư… để không chỉ với TQ mà cả với các nước khác, cần chuyển quan hệ lệ thuộc thành tương thuộc.

{keywords}
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng
Sự lệ thuộc về mặt kinh tế của VN vào TQ được ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) đánh giá là “nặng nề”. TQ tuy không phải là thị trường lớn nhất nhưng theo ĐB Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với rau quả, gạo và nhiều loại nông sản khác.

Do đó thị trường này có ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của đáng kể nông dân và những người sản xuất nông nghiệp. Việc nhập siêu từ TQ cũng đáng ngại khi Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thông tin: Xuất khẩu của VN sang TQ chiếm 9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (hơn 10 tỷ USD) nhưng nhập khẩu từ TQ chiếm 23% tổng kim ngạch (khoảng hơn 30 tỷ USD).

Để giảm lệ thuộc, hầu hết các ĐBQH đều cho biết cần tập trung vào 2 mũi: Nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ bằng cách tái cấu trúc và mở rộng ra các thị trường khác.

ĐB Trần Du Lịch đề nghị Chính phủ cần chuẩn bị ngay để các chính sách và giải pháp tái cấu trúc nông nghiệp (trong đó có ngư nghiệp), xây dựng định chế cho công nghiệp phụ trợ bởi “đã đến lúc quá sốt ruột rồi, không thể chờ được nữa”.

Theo ĐB Huỳnh Ngọc Đáng, việc giảm lệ thuộc này là việc lâu dài nhưng ông thúc giục phải làm ngay. Ông cũng lưu ý: thoát khỏi lệ thuộc kinh tế với TQ không có nghĩa là bỏ qua các quan hệ bình đằng cùng có lợi mà ngược lại phải tăng cường hơn các quan hệ này đi liền với sự chủ động, bình đẳng, tỉnh táo.

Giảm sự lệ thuộc của nền kinh tế vào TQ được Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết “là vấn đề chúng ta đã nhận thức thấy trong nhiều năm qua”. Vì thế, Chính phủ đã chỉ đạo các biện pháp cải thiện cán cân thương mại với TQ, tuy nhiên do quy mô lớn nên cần thời gian.

Theo ông, hiện VN đang chủ trương thúc đẩy đàm phán và ký kết 6 hiệp định tự do thương mại, tạo thuận lợi cho hàng hóa VN xâm nhập vào các thị trường khác.

Cần “thắt lưng buộc bụng” 

ĐB Trần Du Lịch ủng hộ dành 16.000 tỷ đồng cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân nhưng cho rằng mức đó là chưa đủ và đề nghị QH phải thể hiện tinh thần “thắt lưng buộc bụng” bằng hành động cụ thể, mạnh mẽ như cắt tối đa các khoản chi cho giao tế, tiếp khách, mua sắm, đi lại v.v…

{keywords}
ĐB Trần Du Lịch
“Cử tri nói thế này: “Các anh đi lại thế này nhưng trả nợ miệng với nhau bằng tiền ngân sách của dân”. Mong QH thể hiện điều này một cách mạnh mẽ, phải thay đổi luật Ngân sách, đầu tư công, hành chính công. Nếu không có vấn đề Biển Đông thì với tình trạng bội chi ngân sách, tình hình tài chính công như hiện nay thì tôi không biết cái gì sẽ xảy ra trong vài năm tới” - lời ĐB Trần Du Lịch.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) cùng chung nhận định khi cho rằng Chính phủ cần yêu cầu các địa phương tổng rà soát các dự án chưa thực sự bức xúc, chưa thực sự cần thiết, những dự án được cho rằng nhu cầu sử dụng dân sự được hình thành trong tương lai để tập trung nguồn lực, tiềm lực cho quốc phòng, an ninh, tăng cường sức mạnh cho quân đội và công an nhân dân, đồng đề nghị xác định rõ trách nhiệm của 2 lực lượng này là phải nắm và kiểm soát được tình hình từ xa, nhất là với tình hình từ ông láng giềng từ xa, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống.

Theo ông Đương, Chính phủ cần có nghị quyết chuyên đề về siết chặt kỉ cương tài chính, kỉ luật thu chi ngân sách, kiên quyết thu hồi khoản chi sai mục đích, tổ chức kiểm điểm và truy cứu trách nhiệm người có sai phạm.

Cẩm Quyên - Ảnh: Minh Thăng