- Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong), TQ đang toan tính mở rộng cơ sở lớn nhất của mình tại Bãi Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành một hòn đảo nhân tạo, với đầy đủ đường băng và cảng biển, để thúc đẩy sức mạnh quân sự tại Biển Đông. 

>> TQ tính làm đảo nhân tạo gần Gạc Ma của VN
>> TQ xâm lấn thêm 2 bãi đá ngầm thuộc Trường Sa

Báo trích dẫn lời một học giả và một chuyên gia hải quân TQ nói như vậy. Báo mạng Want China Times cũng đăng tải thông tin này.

Bãi Chữ Thập (tên tiếng Anh là Fiery Cross Reef), thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, bị TQ chiếm đóng trái phép kể từ năm 1988.

Giới phân tích cho rằng, kế hoạch mở rộng nếu được thông qua sẽ là một bước đi tiến tới việc thiết lập vùng nhận diện phòng không.

{keywords}
Một công trình do TQ xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền của VN nhưng TQ đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép năm 1988

Những diễn biến gần đây trên Biển Đông lại một lần nữa khiến trọng tâm chú ý của cộng đồng quốc tế dồn vào TQ. Đề xuất làm đảo nhân tạo đã được đệ trình lên chính phủ TQ, Jin Canrong , giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói. Đảo nhân tạo này sẽ có kích cỡ gấp đôi căn cứ quân sự Diego Garcia của Mỹ - một đảo san hô rộng 44 km2 ở giữa Ấn Độ Dương.

Bãi Chữ thập gần đây có các cơ sở của TQ bao gồm trạm quan sát. Li Jie, một chuyên gia hải quân thuộc Viện nghiên cứu Hải quân TQ cho hay, đảo mở rộng còn gồm cả sân bay và hải cảng. Sau khi mở rộng, đảo sẽ tiếp tục là nơi có trạm quan sát để cung cấp các hỗ trợ quân sự.

Theo lời một quan chức quân đội cao cấp đã nghỉ hưu của TQ, việc xây dựng đường băng trên Bãi Chữ thập có thể cho phép TQ chuẩn bị tốt hơn để thiết lập một vùng nhận diện phòng không tại Biển Đông.

Tháng 11 trước, Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố lập vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông. Động thái này khiến các nước Đông Nam Á lo ngại về một kịch bản tương tự sẽ diễn ra ở Biển Đông.

Bãi Chữ thập khá gần các tuyến đường biển và có thể được sử dụng như một điểm đỗ hải quân chiến lược, Alexander Neill, nhà nghiên cứu cấp cao tham dự Đối thoại Shangri-La mới đây nói.

Ông Jin cho rằng, cân nhắc đề xuất với Bãi Chữ thập sẽ phụ thuộc vào quá trình cải tạo đảo Gạc Ma. Vào cuối tháng 5, trang Chinatopix cùng báo mạng Want China Times dẫn thông tin từ Thời báo hoàn cầu TQ rằng, TQ đã lên kế hoạch xây dựng một hòn đảo nhân tạo ở gần đảo Gạc Ma.

Đảo Gạc Ma (tên quốc tế: Johnson South Reef) là một bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của VN nhưng TQ đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép năm 1988. Theo Thời báo hoàn cầu, các cơ sở quân sự sẽ được xây dựng trên đảo nhân tạo bao gồm một cảng hải quân và cả căn cứ không quân.

Zhang Jie, một chuyên gia an ninh tại Viện Khoa học Xã hội TQ cho hay, nước này từ lâu đã nghiên cứu việc cải tạo các đảo. Nhiều học viện và công ty đã đưa ra các thiết kế trong thập niên trước. "Chúng tôi có khả năng làm đảo nhân tạo từ nhiều năm trước đây, nhưng chúng tôi cân nhắc vì không muốn gây quá nhiều tranh cãi", Zhang nói.

Tuy nhiên, năm nay đã chứng kiến "bước ngoặt" khi Bắc Kinh ngày càng thúc đẩy các hành động khiêu khích trên biển. TQ hồi đầu tháng 5 đã đơn phương triển khai giàn khoan trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của VN thuộc Biển Đông.

"Việc xây dựng đảo nhân tạo chắc chắn là để cung cấp tiếp tế cho các tàu và giàn khoan hoạt động ở vùng lân cận. Nhưng điều này sẽ gây tác động rất tiêu cực trong khu vực", bà Zhang khẳng định. Theo bà, những động thái như vậy chỉ khoét sâu thêm sự ngờ vực TQ từ các láng giềng và gây bất ổn trong khu vực.

Thái An (theo scmp, Want China Times)