- Thảo luận việc giảm nghèo tại QH, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh nhận định “đồng tiền phải đúng chỗ”, hỗ trợ người nghèo phải có điều kiện kèm theo: phải cam kết vươn lên thoát nghèo, sức dài vai rộng mà lười lao động thì không được hỗ trợ.

>> Không thất thoát, tham nhũng tiền giảm nghèo
>> Cố gắng giữ nghèo bền vững

Nâng chuẩn nghèo theo thế giới

Chính sách giảm nghèo thực hiện trong 7 năm (2005-2012) đã đưa t lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,6% năm 2012 theo chuẩn nghèo mới, báo cáo giám sát của UB Thường vụ QH sáng nay (7/6) cho biết.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH Trương Thị Mai nhận định: Chuẩn nghèo áp dụng từ năm 2011 ( 400 nghìn đồng ở nông thôn và 500 nghìn đồng/tháng ở thành thị), vẫn sử dụng mức thu nhập để xác định hộ nghèochưa phải là chuẩn nghèo thực tế mà chủ yếu để bảo đảm tính khả thi của các chính sách do Nhà nước ban hành.

Đã có 7 tỉnh, thành phố ban hành chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia, là Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu và Tây Ninh.

{keywords}
Bà Trương Thị Mai: Chuẩn nghèo hiện nay chưa phù hợp thực tế

Chuẩn nghèo chỉ dựa trên yếu tố thu nhập đơn chiều chưa phù hợp với mức sống thực tế, chưa có tính cập nhật, không có khả năng phân loại các nhóm nghèo, ngày càng tỏ ra không phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện tại, cũng như đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững“, bà Trương Thị Mai nói.

Yếu tố này góp phần vào những hạn chế và thách thức của công tác giảm nghèo thời gian qua như nguy cơ tái nghèo cao ở các hộ cận nghèo, chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng, hệ số chênh lệch của năm 2012 đã là 9,4 lần; tỉ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước; ở các thành phố, quá trình đô thị hóa cùng với giá cả đắt đỏ cũng làm gia tăng số người nghèo…

Do đó, UB Thường vụ QH đề nghị Chính phủ, trong nhiều giải pháp, cần nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo và chính sách giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều sau 2015 nhằm bảo đảm an sinh tối thiểu cho người nghèo về việc làm, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, trợ giúp pháp lý và thông tin để đảm bảo cho mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng dù chuẩn nghèo phải phù hợp điều kiện thực tế của VN, vẫn phải phấn đấu nâng dần theo thông lệ quốc tế để thế giới có thể so sánh kết quả giảm nghèo.

“Thế giới không có một chuẩn nghèo, nhưng theo thông lệ, chuẩn này không tính theo thu nhập mà tính theo dinh dưỡng, ngưỡng nghèo của thế giới là 2100-2300 kcal/ngày đêm”, ông Vinh nói.

Đồng tiền phải đúng chỗ

Để tiếp cận đa chiều trong giảm nghèo, UB Thường vụ QH cũng kiến nghị một loạt giải pháp về thống nhất chính sách, cân đối nguồn lực, phổ cập giáo dục, cải thiện y tế, tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề...

Tán thành các giải pháp này, các ĐB kiến nghị một số giảp pháp cụ thể.

Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Võ Kim Cự cho rằng nên cắt giảm các chương trình mục tiêu quốc gia đang trùng lắp để ưu tiên cho giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tăng vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách để thêm vốn cho người nghèo vay…

Phó đoàn ĐBQH Hòa Bình, ông Nguyễn Tiến Sinh thì muốn chính sách giảm nghèo tập trung cho các vùng sâu vùng xa, miền núi như Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng cho các địa phương có tỉ lệ hộ nghèo cao hơn cả nước…

“Để thoát nghèo mỗi người phải tự lực tự cường, nhưng hoàn cảnh ở các địa phương nghèo, đặc biệt vùng dân tộc thiểu số, là quá khó khăn, chưa được hưởng thành tựu chung của phát triển đất nước, rất cần được quan tâm hơn cả”, ông Sinh nói.

{keywords}
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Nhân đạo trong chính sách là cần, nhưng đồng tiền phải đúng chỗ

Chia sẻ ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh cần một quan điểm mới trong chính sách giảm nghèo.

“Hiện nay ai nghèo cũng được hỗ trợ như nhau, làm giảm hiệu quả, thậm chí phản tác dụng, các chính sách của nhà nước”, ông Vinh nói.

Ông kể: Khi là lãnh đạo địa phương, tôi luôn nghe người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số phàn nàn rằng “Chính phủ không công bằng”. Người già vẫn lên rẫy làm nương, kinh tế chỉ nhỉnh hơn hàng xóm lười lao động, suốt ngày rượu chè, mà hỗ trợ Tết ai cũng như nhau.

“Thế mới có chuyện vô lý là xin ở lại làm hộ nghèo, vì được quá nhiều chính sách, thoát nghèo là không được gì nữa”, ông Vinh phản ánh.

Nhận định “nhân đạo trong chính sách là cần, nhưng đồng tiền phải đúng chỗ”, ông Bùi Quang Vinh cho rằng tới đây hỗ trợ người nghèo phải có điều kiện kèm theo: phải cam kết vươn lên thoát nghèo, không nghiện hút, sức dài vai rộng mà lười lao động thì không được hỗ trợ…

Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng